Người phụ nữ đổi tiếng “gàn” bằng đam mê nông nghiệp xanh

Dân làng gọi chị là người đàn bà “gàn”khi đã bán hết nhà cửa ở thành phố để mua một mảnh đất cằn ở quê làm trang trại xanh. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, mảnh đất đấy đã bắt đầu đơm hoa, kết trái.
2-1706242802.jpg
Mô hình trang trại hữu cơ tổng hợp Thảo Hiền sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Người phụ nữ “gàn” ấy chính là chị Nguyễn Thị Hoan, 49 tuổi, trú tại phường An Hưng, TP Thanh Hóa. Với đam mê với cỏ cây, chị đã bán nhà, bán đất ở thành phố để về quê đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp.

Niềm đam mê với cỏ cây

Chị Nguyễn Thị Hoan sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải, Thái Bình. Năm 1993, chị nhập cư sinh sống với gia đình ở Tiệp khắc. Trong khoảng thời gian xa xứ, chị và gia đình đã được tiếp cận với nông nghiệp thông minh từ nước bạn. Cũng từ đấy, chị đã bén duyên với anh kỹ sư nông nghiệp Trần Văn Thảo quê ở Đông Sơn (Thanh Hóa), đang đi xuất khẩu lao động tại Tiệp.

Năm 2009, với số tiền đã tích lũy được, chị Hoan trở về quê chồng ở phường An Hưng để lập nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như buôn bán BĐS, mở cửa hàng… Khi sự nghiệp đang lên cao, có thu nhập ổn định thì chị lại bàn với ông xã từ bỏ phố thị trở về quê mở trang trại.

6-1706242979.jpg
Tận dụng những sản phẩm thừa, chị tái chế thành thức ăn cho lợn và gà, đem lại hiệu quả cao

Đầu năm 2019, hai vợ chồng đấu thầu gần 2ha đất tại thôn Én Giang, xã Quảng Hợp để xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ tuần hoàn không rác thải. Dù gặp nhiều khó khăn, song, với sự cố gắng không ngừng, chỉ trong một thời gian ngắn, trang trại Thảo Hiền đã ra đời và đi vào hoạt động.

Chị Hoan chia sẻ: “Để có thể mở được trang trại này, thời gian đầu anh chị gặp muôn vàn khó khăn, khi hồ sơ, thủ tục thuê đất chưa xong. Thậm chí điện thắp sáng còn chưa có, nên bạn bè đã khuyên anh chị từ bỏ. Tuy nhiên, với chị, vườn tược nó là hơi thở rồi nên phải quyết tâm khắc phục khó khăn, theo đuổi đến cùng”.

Với nỗ lực không biết mệt mỏi, trang trại nông nghiệp hữu cơ tổng hợp của chị đã hình thành và bắt đầu cho “trái ngọt”. Được nhiều người quan tâm đến học hỏi. Trên diện tích đã được quy hoạch, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoan đầu tư hàng tỉ đồng để làm 8.000 m2 nhà lưới trồng rau và hoa quả. Trang trại gần như không dùng phân hóa học.

Để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng, vợ chồng chị Hoan xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi gà, lợn và đào ao thả cá. Phần lớn thức ăn cho gà, lợn, cá là các phụ phẩm rau, củ, quả trong vườn. Chất thải của vật nuôi được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố, trộn thêm các loại men vi sinh. Phân hoai mục trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng trong trang trại.

3-1706243122.jpg
Sản xuất theo mô hình sạch, khép kín nên du khách có thể thưởng thức rau củ quả ngay tại vườn

Bên cạnh phân gia súc, gia cầm, trang trại Thảo Hiền xây dựng mô hình nuôi giun quế với diện tích khu nuôi lên đến 150 m2, được chia thành nhiều ô. Thức ăn cho giun cũng được tận dụng từ chính các phụ, phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp tại trang trại. Giun thịt được sử dụng làm thức ăn cho gà, vịt, hoặc chế thành dịch giun. Phân giun và dịch giun là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng. Nhờ hoạt động theo cách thức này, quy trình sản xuất của trang trại tuần hoàn khép kín, và không đẩy chất thải ra môi trường.

Thời gian gần đây, để mở rộng hoạt động sản xuất, tăng thêm thu nhập, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoan còn nuôi thêm ốc nhồi, cũng bằng phương pháp hữu cơ tuần hoàn. Trang trại Thảo Hiền bước đầu hoạt động hiệu quả, giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, anh Trần Văn Thảo ổn định kinh tế, nuôi con cái ăn học.

"Canh bạc" miệt vườn được hiện thực bằng trang trại xanh

Có được trang trại tổng hợp như ngày hôm nay, chị Hoan đã phải đánh đổi rất nhiều, từ công sức đến tiền bạc. Thậm chí cả tuổi thanh xuân của mình. Cũng chính vì vậy mà dân làng đặt cho chị cái biệt danh “gàn”. Đáp lại những lời chê bai của mọi người, anh chị chỉ biết cười và cố gắng hơn.

Anh Trần Văn Thảo cho biết: “Để có thể tiếp tục đầu tư mở trang trại, gia đình tôi đã huy động tất cả nguồn vốn sẵn có. Bên cạnh đó tôi còn phải bán đi 2 lô đất và 2 căn nhà ở thành phố Thanh Hóa để đầu tư mua sắm trang thiết bị.”.

Ban đầu bắt tay vào làm, do thổ nhưỡng không tốt nên gia đình chị Hoan gặp không ít khó khăn. Để có thể cải tạo đất, ngoài việc bón phân, anh chị đã ra tận Phú Thọ học cách nuôi giun quế, vừa có nguồn thức ăn cho gia cầm, vừa có thể cải tạo đất. Chất thải giun quế được xếp vào loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu hàm lượng dinh dưỡng và hệ vi sinh vật phong phú, phù hợp với tất cả các loại cây trồng.

Trang trại Thảo Hiền là mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nên sản phẩm của anh chị đã hình thành được chuỗi cung ứng hàng chục loại nông sản chất lượng. Song, gia đình chị luôn trăn trở để sản phẩm của mình không bị “hòa tan”, đánh đồng với những sản phẩm cùng loại trên thị trường.

9-1706243189.jpg
Trang trại Thảo Hiền được lựa chọn là nơi tham quan, trải nghiệm của các em học sinh

Do đó, ngoài việc sản xuất theo tiêu chuẩn quy định để tạo ra sản phẩm chất lượng, gia đình chị Hoan còn chú trọng giới thiệu, quảng bá quy trình sản xuất “chuẩn” tới đơn vị phân phối và người tiêu dùng. Chị Hoan chia sẻ: “Quy trình sản xuất của trang trại đã được cơ quan chuyên môn chứng nhận, tuy nhiên, để thuận tiện cho việc quảng bá sản phẩm và truy xuất của người tiêu dùng, chúng tôi đã đăng ký QR Code tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, như: quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói... Với thao tác “check” QR Code gắn trên sản phẩm bằng smartphone, khách hàng đã có thể nắm được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm và không bị lẫn với bất kỳ sản phẩm, nhãn hiệu nào khác".

Được biết, việc áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử để quản lý nguồn gốc sản phẩm đã giúp trang trại của gia đình chị Hoan chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững, đem lại lợi nhuận ổn định. Hiện, một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP mang nhãn hiệu Thảo Hiền, như: dưa vàng, cà chua, mướp, dưa chuột baby... đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Khi anh gia đình chị Hoan đã “tất tay” với "canh bạc" ruộng vườn chỉ vì đam mê. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, mô hình trang trại tổng hợp Thảo Hiền đã được nhiều người biết đến. Đây là nơi để các cháu học sinh đến tham quan trải nghiệm, du lịch nông nghiệp nổi tiếng của Xứ Thanh./.

Hà Khải