Hiện nay, người lao động bị mắc Covid-19 vẫn tiếp tục xảy ra, các doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp. Nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí.
Các hiệp hội gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã có công văn đề nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nhận thấy thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Do vậy các hiệp hội kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023.
Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.