Ở phiên họp đầu tiên này, đại diện người lao động là Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới chỉ bắt đầu thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá, việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Hiện dịch bệnh đang dần được khống chế hiệu quả và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, do đó cơ quan này cho rằng việc xem xét để tăng lương tối thiểu vùng là có thể thực hiện được, song mức tăng bao nhiêu sẽ cần thảo luận thêm.
Trong khi đó, đại diện VCCI cho biết, chia sẻ với người lao động khi mong muốn tăng lương là nguyện vọng chính đáng, song hiện nay các doanh nghiệp đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, nên nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kĩ lưỡng.
Dự kiến việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ, với quy mô lao động từ dưới 100 đến trên 300 lao động.Về phía Bộ LĐ-TB&XH, để có cơ sở cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, bắt đầu từ tháng 4 tới, cơ quan này sẽ tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại các doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước.
Các nội dung chính được khảo sát ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, chi phí tuyển dụng đào tạo, quỹ công đoàn…
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Do thời gian qua chưa được điều chỉnh, hiện mức mức lương tối thiểu vùng vẫn đang áp dụng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.