Xuất khẩu sầu riêng mọi ngả đường đổ về Trung Quốc và lộ trình tăng sức cạnh tranh

Từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam đã khẳng định lợi thế và tăng tốc mở rộng thị phần. Không dừng lại ở 2,03 tỷ USD trong năm 2023, sầu riêng Việt dự báo sẽ tiếp tục bứt phá. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh của trái sầu riêng tại thị trường tỷ dân ngày càng khốc liệt.
xuat-khau-sau-rieng-04-1708399896.jpg
Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đang có sự tăng trưởng rất mạnh. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng. Năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022; tăng 135,8% về lượng và tăng 318,5% về trị giá so với năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm 99%

Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD toàn ngành rau quả.

Cụ thể, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng tới 1,82 tỷ USD so với con số 288 triệu USD của năm trước. Trong đó, quả sầu riêng chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 2,03 tỷ USD.

Diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ ở thời điểm đầu năm 2023 là 47.208 ha, đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha.

xuat-khau-sau-rieng-01-1708399928.jpg
Hiện nay, Việt Nam đã có trên 700 mã số vùng trồng và hơn 160 mã số đóng gói sầu riêng được cấp phép để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.(Ảnh minh họa)

Năm 2024 và nhiều năm kế tiếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây đặc sản giá trị cao của nước ta. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

Cần chú trọng chất lượng để tăng sức cạnh tranh sầu riêng Việt

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế vào thị trường Trung Quốc, nhưng phía bạn cũng cảnh báo rằng nếu chúng ta không chú trọng vào chất lượng mẫu mã và chất lượng hàng hóa thì sẽ khó tận dụng được tối đa dư địa của thị trường này.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, sầu riêng Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, tập trung vào các khâu: Bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác.

Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.

xuat-khau-sau-rieng-03-1708399880.jpg
Sầu riêng Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng mẫu mã và chất lượng hàng hóa để tận dụng tối đa dư địa của thị trường Trung Quốc.(Ảnh minh họa)

Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc, chiếm tới 95% trong năm 2022. Sang năm 2023, dù nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng so với năm 2022 (tăng 18,5% về lượng, đạt 929 nghìn tấn và tăng 18% về trị giá, đạt 4,57 tỷ USD), nhưng thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 65,1%.

Trong khi đó, do mức tăng trưởng cả về lượng lẫn giá trị cao hơn rất nhiều so với sầu riêng Thái Lan, nên thị phần của sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc tăng rất mạnh. Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 493 nghìn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.036% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh lên 34,6% so với mức 5% của năm 2022.

Tuy nhiên, do sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này đang có xu hướng giảm. Trong năm 2023, giá sầu riêng nhập khẩu bình quân từ thị trường Thái Lan ở mức 4.710 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022. Tương tự, giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332 USD/tấn, giảm 5,9% so với năm 2022. Tính chung, giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.

Ngoài Thái Lan và Việt Nam, trong năm qua, đã có thêm một nguồn cung sầu riêng tươi cho thị trường Trung Quốc là sầu riêng Philippines. Đã có 4.000 tấn sầu riêng Philippines được nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2023, trị giá 13 triệu USD, chiếm 0,3% lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc. Một lợi thế của sầu riêng Philippines là giá rẻ, khi giá nhập khẩu bình quân vào thị trường Trung Quốc trong năm qua chỉ ở mức 3.529 USD/tấn.

Một nước sản xuất sầu riêng khác ở Đông Nam Á là Malaysia cũng đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ năm nay. Từ lâu, sầu riêng Malaysia đã được người tiêu dùng nhiều nước biết tới với giống sầu riêng Musang King, được cho là giống sầu riêng ngon nhất thế giới.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.

"Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD." - Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán./.

Trọng Bình