Sau tết sầu riêng chạm mốc 200 nghìn đồng/kg, kỳ vọng bứt tốc xuất khẩu

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, sầu riêng Việt Nam tiếp tục tạo cơn sốt. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán, giá sầu riêng liên tục tăng cao do nhu cầu thị trường Trung Quốc rất lớn. Hiện tại Việt Nam đã có trên 700 vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc đây là điều kiện quan trọng để trái cây vua tiếp tục bùng nổ xuất khẩu trong năm 2024.
gia-sau-rieng-02-1707968998.jpg
Những tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt đang "một mình một chợ" tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Sầu riêng nghịch vụ sốt hàng, giá tăng cao

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn từ Hải quan Trung Quốc, năm 2023, sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc mua với số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Nâng thị phần sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc từ 6% năm 2022 lên gần 33% trong năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, 2023 là một năm thắng lớn của ngành sầu riêng. Với sản lượng xuất khẩu gần 524.000 tấn sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.

Những tháng đầu năm 2024, ông Nguyên cho rằng sầu riêng Việt đang "một mình một chợ" tại Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu biếu tặng của người dân nước này cao. Trong khi đó, nguồn cung hàng trái vụ có số lượng hạn chế nên giá được dự báo tiếp tục tăng.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, giá sầu riêng trước và trong Tết đang ở mức giá cao. Tại vựa, sầu riêng Monthong loại A có giá 200.000 đồng/kg, Ri6 loại A có giá trên 150.000 đồng/kg; sầu riêng loại B có giá thấp hơn loại A 20.000 đồng/kg. Tại vườn, giá thương lái thu mua thấp hơn tại vựa 20.000 đồng/kg tùy loại. Trước Tết, giá sầu riêng cũng ở mức cao, gần bằng hiện tại.

Theo ông Lộc cho biết, thời điểm này gần như duy nhất ĐBSCL mới có sầu riêng được xử lý bằng phương pháp canh tác nghịch vụ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi, tỷ lệ vườn xử lý cho quả đạt thấp nên sản lượng càng khan hiếm.

gia-sau-rieng-01-1707969099.jpg
Trong dịp tết Nguyên đán, giá sầu riêng liên tục tăng cao trong khi sản lượng sầu riêng không còn nhiều.

Thời điểm này, không nhiều nhà vườn có hàng. Giá sầu riêng năm nay ở mức cao gần bằng mức kỷ lục năm ngoái là 220.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong loại A, được đóng hàng tại vựa. Với mức giá này, chỉ những đơn vị có hợp đồng sẵn mới dám thu mua hàng, bởi giá dễ biến động trong 2-3 ngày, rủi ro giá giảm cao.

Tại Tiền Giang, tỷ lệ giống sầu riêng Monthong và Ri6 gần bằng nhau và chiếm phần lớn diện tích sầu riêng của tỉnh. Chi phí canh tác sầu riêng mỗi vụ dao động khoảng 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với năng suất khoảng từ 20-30 tấn/ha, sầu riêng vẫn là cây trồng rất hấp dẫn đối với nhiều bà con nông dân ở Tiền Giang cũng như ĐBSCL nói chung.

Hơn 700 vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc

Tổng cục hải quan Trung Quốc (GACC) công bố số liệu mới nhất cho thấy, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.

Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn số liệu cập nhật mới nhất của GACC cho biết, có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.

Trong khi đó, địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.

Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.

Theo quy định của Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.

Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.

gia-sau-rieng-03-1707969186.jpg
Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 7/2022, GACC và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này và các yêu cầu trong nghị định thư, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc quan tâm.

Đối với điều khoản đăng ký, tất cả các vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và GACC phê duyệt.

Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc được chính xác.

Sau khi được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, tráo sầu riêng lập tức tạo ra cơn sốt, giúp “đẩy” giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng rất cao. Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.

Dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới. Để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi các nhà vườn, doanh nghiệp bên cạnh việc mở rộng diện tích, cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị./.

Bình Nguyên