Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt gấp 11 lần
Năm 2023, Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ USD để mua gần 524.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng hơn 11 lần so với năm trước đó.
Đây là số liệu mới nhất được Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn từ Hải quan Trung Quốc. Theo đó năm ngoái, sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc mua với số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Nâng thị phần sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc từ 6% năm 2022 lên gần 33% trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng 2023 là một năm thắng lớn của ngành sầu riêng. Với sản lượng xuất khẩu gần 524.000 tấn sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.
Những tháng đầu năm nay, ông Nguyên cho rằng sầu riêng Việt đang "một mình một chợ" tại Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu biếu tặng của người dân nước này cao. Trong khi đó, nguồn cung hàng trái vụ có số lượng hạn chế nên giá được dự báo tiếp tục tăng.
Theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có lợi thế về giá và thời gian vận chuyển, chỉ mất khoảng 2 ngày so với 7 ngày từ Thái Lan, nhưng các nhà cung cấp khác cũng có thế mạnh riêng. Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, là nhà cung cấp sầu riêng nhập khẩu chính cho Trung Quốc với 68% thị phần. Nước này cũng đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.
Với sầu riêng tươi từ Philippines, chất lượng khá vượt trội nên năm nay Việt Nam tiếp tục đối đầu với nhiều đối thủ mạnh. Philippines đang cung cấp sầu riêng ra thị trường từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Dù mới tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng số lượng từ nước này cũng lên gần 100.000 tấn.
Ở phân khúc cao cấp, Malaysia đã xuất khẩu múi sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ 2011. Năm nay, nếu Việt Nam được xuất đông lạnh, giá sầu riêng sẽ ổn định qua các năm.
Ngoài các đối thủ này, về dài hạn, thị trường Trung Quốc sẽ còn có sầu riêng nội địa. Họ đang tìm cách trồng thêm ở Campuchia, Indonesia, nhưng cũng phải mất 5-10 năm mới có thể thành công.
Kỳ vọng tiếp tục bứt phá từ cây tiền tỷ
Một ngày đầu tháng 2.2024, tại xã Phú An (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất huyện Cai Lậy. Ông Võ Chí Sắc (ngụ ở ấp 2, xã Phú An) cho biết, gia đình ông có 3 công trồng sầu riêng với 66 cây. Sau khi trừ đi hết chi phí mỗi vụ lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ cây sầu riêng mà vợ chồng ông đã cất nhà mới khang trang, nuôi con học đại học ở TPHCM…
Ông Lê Văn Phước Lạc - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phú An (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hợp tác xã có khoảng 325 hecta trồng sầu riêng. Sầu riêng được xem là loại cây "vua" trong các loại cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Bởi giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại là rất lớn. Nhiều người dân ở đây đã trở nên khấm khá cũng nhờ cây sầu riêng.
Ông Võ Văn Men - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang - cho biết, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện khoảng 22.000 ha, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy. Vùng đất ở Tiền Giang thích hợp để trồng sầu riêng. Với giá cả hiện nay, doanh thu từ loại cây này đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Ông Võ Văn Mỹ (ấp 6, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình ông gắn bó với cây lúa nhiều năm nhưng lợi nhuận không cao. Khi được rủ trồng loại cây này, ông đã chuyển diện tích 7.000 m2 đất lúa sang trồng sầu riêng. Trong đó, khoảng 2.500 m2 đã trồng sầu riêng được 4 năm, diện tích còn lại cũng đã trồng được 19 tháng.
Chị Lê Thị Hiệp (ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, trước kia gia đình nuôi cá. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do đó, gia đình đã quyết định chuyển khoảng 2 ha để trồng sầu riêng. “Lý do tôi chọn trồng loai trái cây này vì mang lại lợi nhuận rất cao. Qua đó, hy vọng sẽ thoát cảnh nghèo khó“, chị Hiệp nói.
Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho hay, từ năm 2022, diện tích trồng loại cây này đã vượt so với quy hoạch, nếu phát triển mạnh quá, diện tích trồng nhiều sẽ tác động đến vấn đề tiêu thụ.
"Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng có đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích, trên cơ sở đó sẽ thực hiện điều chỉnh cho phù hợp với thực tế", ông Men nói.
Chuyên gia Thái Lan chia sẻ về điệp khúc “trồng - chặt” sầu riêng
Ông Sakda Sinives, chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng của Thái Lan cho biết, ngành sầu riêng Thái Lan đã có sự chuẩn hóa về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến, đặc biệt chuyển hướng mạnh sang chế biến (bóc múi cấp đông và chế biến sâu), qua đó, có thể điều tiết thị trường, giảm chi phí vận chuyển trong quá trình xuất khẩu, và… tránh đổ rác (vỏ sầu riêng) tới nước xuất khẩu.
Trong hơn 20 năm qua, sầu riêng của Thái Lan (chủ yếu giống Monthong) đã thống trị thị trường sầu riêng ở Trung Quốc, trước khi Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, tuyển chọn và nhân rộng giống Monthong phổ biến là một trong những yếu tố thúc đẩy ngành hàng sầu riêng tại Thái Lan phát triển ổn định do khắc phục được những nhược điểm về chống chịu bệnh và thời tiết của các giống sầu riêng truyền thống lâu đời tại Thái Lan trước đây.
Giống sầu riêng Monthong không chỉ được trồng tốt ở Thái Lan, mà với những đặc tính tốt của mình, hiện giống này đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á khác như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Myanmar… kéo theo nỗi quan ngại về việc cung sẽ vượt cầu trong bối cảnh mà nhiều quốc gia đang trồng chung một giống.
Trước tình hình đó, để gia tăng năng lực cạnh tranh với các quốc gia láng giềng tại thị trường chính là Trung Quốc, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã có những chiến lược để hỗ trợ ngành hàng sầu riêng trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu tươi, bên cạnh việc gia tăng phát triển các nhà máy cấp đông và chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản cũng như phục vụ được nhu cầu của các thị trường xa hơn.
Khâu phát triển giống mới, đặc biệt là những giống ngon nhưng có ít mùi thơm hơn Monthong trong các năm qua cũng đã có những thành tựu nhất định, qua đó, mở ra cơ hội chào bán mặt hàng nông sản đặc biệt này đến người tiêu dùng tại các quốc gia phương Tây, vốn không ưa chuộng sầu riêng do mùi quá nồng của loại trái cây vua này.
Có thể nói, ý thức được sự vươn lên mạnh mẽ cả về mặt diện tích, sản lượng và chất lượng của những quốc gia trồng sầu riêng khác như Việt Nam, Campuchia, Myanmar, thậm chí toàn Đông Nam Á…, phương châm của người Thái là phải đi trước một bước để tiếp tục ở thế dẫn đầu.
Nhấn mạnh về vấn đề kiểm soát chất lượng, ông Sakda chia sẻ thêm: “Tại Thái Lan, chúng tôi hình thành các mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị đóng gói và người nông dân trồng sầu riêng. Mỗi khi nhận được khiếu nại về chất lượng sầu riêng từ phía Trung Quốc, Cục Trồng trọt của Thái Lan sẽ làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu, kế đến là nhà đóng gói và các vườn sầu riêng.
Nếu bị xác định là có lỗi, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị tạm đình chỉ xuất khẩu, các nhà đóng gói có thể bị thu hồi mã nhà đóng gói còn các nhà vườn có thể bị thu hồi mã vùng trồng. Các chủ thể này chỉ được hoạt động trở lại khi các nguy cơ nói trên đã được khắc phục hoàn toàn. Qua đó, chúng tôi có thể kiểm soát được chất lượng sầu riêng xuất khẩu”.
Theo ông Sakda, Việt Nam cần tránh lặp lại những sai lầm mà ngành sầu riêng Thái Lan đã mắc phải trong quá khứ, cụ thể là phát triển quá nóng về sản lượng nhưng không kiểm soát tốt về chất lượng, dẫn đến tiêu thụ kém và người nông dân phải chặt bỏ.
Từ kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam cần làm đúng ngay từ đầu về công tác chọn giống, áp dụng chế độ bón phân hữu cơ và bảo vệ thực vật phù hợp, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ vào quá trình canh tác, đặc biệt là kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu, tăng cường phát triển công nghệ sau thu hoạch và chế biến, qua đó, có thể giải quyết triệt để các rủi ro tiềm tàng trước khi trở nên phức tạp.
Về công tác quản lý chất lượng, Việt Nam cần sớm có chính sách về việc cấp phép cho các đơn vị giám định chất lượng sầu riêng xuất khẩu để đảm bảo hàng hóa đến với tay người tiêu dùng trong tình trạng tốt nhất có thể. Việt Nam nên chú trọng phát triển thị trường đa dạng hơn, có thể thông qua kênh của những Việt kiều, vốn có mặt khắp nơi trên thế giới. Tóm lại, Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai ngành hàng đúng ngay từ đầu mà không cần phải trải qua quá trình thất bại và cải tổ như Thái Lan trong quá khứ./.