Hiện nay Việt Nam đang có gần 24.000 nhà nuôi chim yến, với sản lượng 150 – 200 tấn 1 năm. Dù là một sản phẩm rất có tiềm năng xuất khẩu, có giá trị cao, nhưng việc quản lý nhà yến hiện nay còn nhiều bất cập, do tình trạng xây nhà nuôi yến tự phát, không hiệu quả, không quản lý được vùng nuôi, hệ lụy về môi trường và chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, tháng 11/2022, Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức cho ngành nuôi yến của Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường lớn của Nông sản Việt Nam, tuy nhiên, thị trường này yêu cầu tất cả các loại nông sản chính ngạch, trong đó có tổ yến, phải có mã số, truy xuất được nguồn gốc. Để đáp ứng yêu cầu này, Cục Chăn nuôi, thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị "Đánh giá tình hình nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu".
Hội nghị đã cung cấp các thông tin mới cho người nuôi và doanh nghiệp cần biết để tham gia được thị trường xuất khẩu như: trình tự cấp mã số cơ sở nuôi yến; quy trình và quy định về thủ tục nhập khẩu theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm đối với yến sào của Trung Quốc…
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng đánh giá, tiềm năng ngành nuôi yến còn rất lớn. Để ngành yến phát triển bền vững, tham gia tốt thị trường xuất khẩu cần tổ chức lại hệ thống chăn nuôi và quản lý theo chuỗi giá trị; gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc; đảm bảo an toàn dịch bệnh với cơ sở nuôi yến và an toàn thực phẩm với sản phẩm tổ yến. Từ cơ sở nuôi đến doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện các quy định, công tác quản lý phải chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường trong nước, một phần xuất khẩu.
"Khi sử dụng các sản phẩm từ tổ yến phải truy xuất được nguồn gốc có đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, có giám sát dịch bệnh, là vấn đề chúng ta đã đặt ra trong quá trình cấp mã số phải đảm bảo điều kiện, từ cơ sở căn nuôi đến chế biến", ông Thắng cho hay.
Trên cơ sở đó, ngành chăn nuôi sẽ cùng với các địa phương giám sát, đánh giá để cấp mã số công nhận những nhà yến, cơ sở sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như tiến tới hoàn chỉnh chuỗi giá trị yến sào, xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam, phát huy giá trị của sản phẩm rất tiềm năng, giá trị này.