Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU sẽ tiếp tục sụt giảm 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra dự báo, xuất khẩu cá ngừ từ Việt Nam sang EU sẽ giảm tốc trong thời gian tới.

Cụ thể, theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã sụt giảm liên tục trong quý II.

Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong quý đầu năm nên lũy kế 6 tháng, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 77 triệu USD.

Về cơ cấu mặt hàng, trong số các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang khối thị trường này, xuất khẩu các mặt hàng thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam tăng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại.

ca-1660379367.jpg
Theo dự báo, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục giảm trong quý III. (Ảnh: Internet)

Cùng với nhóm sản phẩm trên, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03 (trừ HS0304) và cá ngừ chế biến khác mã HS16 của Việt Nam lại tiếp tục giảm.

Còn về thị trường, hiện Đức, Bỉ và Hà Lan là ba nước đứng đầu khối EU về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Trong khi, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Bỉ và Hà Lan tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan trong 3 tháng trở lại đây, thì xuất khẩu sang Đức lại sụt giảm liên tục.

Điều này đã khiến cho giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức trong nửa đầu năm nay giảm 2% so với cùng kỳ năm 2021.

VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ còn tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới. Nguyên nhân là đồng Euro của châu Âu vừa trải qua một “cú sốc lớn” khi tỷ giá của nó lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD.

Các nước EU đang lo ngại về khả năng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu và khiến khu vực này rơi vào suy thoái bất cứ lúc nào. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả ngành đánh bắt và chế biến cá ngừ của các nước EU.

Theo báo cáo do Cơ quan thống kê dữ liệu Eurostat của Liên Minh Châu Âu (EU) công bố ngày 01/07/2022, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 8,6% trong tháng 6. Mức tăng giá tiêu dùng tại khu vực này một tháng trước là 8,1%. Trong đó, nhóm mặt hàng lương thực tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong khu vực đồng Euro.

Bất chấp lạm phát kỷ lục, Ngân hàng TW Châu Âu (ECB) đã không tăng lãi suất trong quý II/2022. Sự chậm trễ này đã khiến cho đồng euro mất giá so với đồng đô la Mỹ.

Giá các sản phẩm cá ngừ tăng do chi phí hàng hoá cần thiết tăng cao hơn, đồng đô la mạnh có thể khiến cho các sản phẩm cá ngừ cuối cùng nhập khẩu vào EU từ các nước ngoài khối như Việt Nam, Philippines, Ecuador trở lên đắt đỏ hơn. Chính điều này đã làm ảnh hưởng tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU trong 03 tháng qua.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, thông thường những tháng đầu năm là thời điểm thuận lợi để gia tăng đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường EU do tác động từ các thỏa thuận về ưu đãi thuế quan theo Hiệp đinh Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Tuy nhiên năm nay, do giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt cá ngừ của cả nước, khiến cho nguồn cung cá ngừ nguyên liệu đảm bảo quy tắc xuất xứ theo FTA giảm.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam theo mẫu của EVFTA còn nhiều bất cập khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu sang khối thị trường này bị đình trệ.

Tất cả những yếu tố này đang kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này. Dự kiến, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ còn tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới.

An An