Hội thảo là một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, kinh tế và đại diện các tổ chức trong và ngoài nước cùng thảo luận, đánh giá tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, hướng tới giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá đồng thời tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam xếp hạng thứ 15 về mức độ tiêu thụ thuốc lá với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp. Đồng thời, hàng triệu người khác cũng phải chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động, trong đó trẻ em và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Tác động của việc sử dụng thuốc lá không chỉ dừng lại ở sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế quốc gia. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, và nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 vào năm 2030. Do đó, vấn đề giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với các thách thức về sức khỏe do thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) đối với thuốc lá đã được xác định là một công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng các mặt hàng này. Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng mức TTTĐB đối với thuốc lá nhằm tăng giá sản phẩm, từ đó hạn chế nhu cầu sử dụng. TTTĐB không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của chính sách này, cần có sự đánh giá và phân tích toàn diện về tác động vi mô của thuế đối với người tiêu dùng và các nhóm dân cư khác nhau.
Tại hội thảo trình bày một số kết quả nghiên cứu chính, ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết: Việt Nam phải đối mặt với những hệ lụy kinh tế-xã hội nghiêm trọng do sử dụng thuốc lá.
Theo số liệu thống kê, 40 nghìn người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo năm 2030 sẽ tăng lên 70 nghìn người/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá). Tổn thất kinh tế-xã hội tương đương khoảng 1% GDP của Việt Nam (WHO).
Khung chính sách cho phòng chống tác hại của thuốc lá đã liên tục được điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn trong những năm qua. Trong đó, chính sách thuế đối với thuốc lá đã được lưu tâm hơn.
Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tuy nhiên, chưa có sự liên kết trực tiếp với chính sách thuế đối với thuốc lá.
Do đó, ông Nguyễn Ánh Dương kiến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu để chuyển sang áp dụng cơ chế thuế TTĐB hỗn hợp đối với thuốc lá (và cơ chế trong luật cho phép cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh sau 1 số năm?)
Bên cạnh đó, Việt Nam cần rà soát và nâng cao năng lực để đánh giá định lượng, ở cả cấp vi mô và vĩ mô, đối với các đề xuất chính sách đối với thuế TTĐB đối với thuốc lá.
Kết hợp truyền thông thường xuyên, kịp thời và hữu hiệu về yêu cầu tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Rà soát, thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho việc thực hiện tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá (chống buôn lậu)
Đồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước (ở cả Trung ương và địa phương), các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong và ngoài nước về triển khai chính sách thuế đối với thuốc lá nói chung và thuế TTĐB đối với thuốc lá nói riêng; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuốc lá nói chung và quản lý thuế TTĐB đối với thuốc lá nói riêng; Tăng cường hợp tác quốc tế trong các nội dung liên quan.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, để đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt lên các nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội, với vai trờ là cơ quan nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực chính sách kinh tế - xã hội, CIEM đã triển khai công cụ mô phỏng vi mô VNMOD. VNMOD là một mô hình mô phỏng vi mô do Viện Nghiên cứu kinh tế học phát triển thế giới – Đại học Liên hợp Quốc (UNU-WIDER) và CIEM hợp tác xây dựng, cập nhật để đánh giá tác động vi mô của việc điều chỉnh các chính sách thuế và chuyển giao thu nhập. VNMOD giúp phân tích sâu về các kịch bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt và dự đoán được các kết quả khác nhau dựa trên dữ liệu vi mô của từng nhóm dân cư.
Đặc biệt, công cụ này giúp CIEM có thể đưa ra các đề xuất chính sách không chỉ dựa trên tác động tài chính mà còn hướng đến việc sử dụng nguồn thu từ thuế thuốc lá để tài trợ cho các chương trình phục vụ các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam./.