
Hiện nay, du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm làng nghề truyền thống đang trở thành xu hướng thu hút đông đảo du khách. Tại xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, vùng đất không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh như Tam Cốc - Bích Động, Đền Thái Vi mà còn được biết đến với bề dày văn hóa, đặc biệt là làng nghề thêu ren thôn Văn Lâm. Nơi đây, những nét tinh hoa của nghề thêu vẫn được gìn giữ qua đôi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của những người thợ lành nghề.
Sức hút của Ninh Hải không chỉ đến từ vẻ đẹp tự nhiên mà còn từ sự hòa quyện với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Nắm bắt xu hướng du khách ngày càng tìm kiếm trải nghiệm chân thực, làng nghề thêu ren Văn Lâm đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Tại đây, du khách có thể chứng kiến và cảm nhận trọn vẹn tinh túy của nghề thủ công truyền thống, như tại gian hàng của Công ty TNHH Thêu Minh Trang, nơi không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn tổ chức hoạt động trải nghiệm trực tiếp, tạo sự tương tác thú vị và thúc đẩy doanh số.
Sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm làng nghề, đã mang lại những tín hiệu tích cực cho kinh tế - xã hội của Ninh Hải. Theo báo cáo của UBND xã Ninh Hải, Năm 2024, nghề thêu ren trên địa bàn xã ước tính mang lại thu nhập khoảng 70 tỷ đồng. Việc kết hợp du lịch trải nghiệm đã góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và ý thức bảo tồn văn hóa trong cộng đồng.

Song song với việc quảng bá qua các danh lam thắng cảnh, việc thúc đẩy du lịch trải nghiệm làng nghề đã giúp nghề thêu ren Ninh Hải ngày càng được biết đến rộng rãi. Các dịp lễ hội cũng trở thành cơ hội vàng để địa phương giới thiệu những nét đẹp văn hóa, đặc biệt là các sản phẩm thủ công truyền thống, đến với du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, con đường phát triển du lịch làng nghề tại Ninh Hải vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề thu nhập của người nghệ nhân. Mặc dù có công việc ổn định, nhiều người vẫn phải đối mặt với tình trạng thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống, dẫn đến nguy cơ mai một nghề.
Bà Chu Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch xã Ninh Hải cho biết: “Nguyên liệu của thêu ren chủ yếu là lụa, vải, chỉ nhập khẩu, nên có những thời điểm nguồn hàng khan hiếm, giá cả lại cao. Trong khi đó, giá trị sản phẩm bán ra chưa thực sự tương xứng với công sức và sự sáng tạo của người lao động, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn về vốn để duy trì và phát triển nghề.

Để giải quyết những khó khăn này, địa phương rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư từ các cấp chính quyền về cơ sở vật chất, hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của các làng nghề”.
Cũng theo lãnh đạo xã Ninh Hải, sự cần thiết của việc đa dạng hóa các tour du lịch, không chỉ tập trung vào các danh lam thắng cảnh mà còn chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống. Việc xây dựng các tour du lịch kết hợp tham quan các mô hình thêu ren truyền thống sẽ góp phần quảng bá các di tích lịch sử nổi tiếng và đưa những nét đẹp văn hóa độc đáo của Ninh Hải đến gần hơn với du khách.
Với những tiềm năng và nỗ lực không ngừng, Ninh Hải đang từng bước khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn được khám phá, trải nghiệm và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Việc biến làng nghề truyền thống thành điểm đến du lịch không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một hành trình ý nghĩa để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam./.