Việt Nam nhận được 51,5 triệu USD nhờ giảm phát thải carbon và bảo vệ rừng

Thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.
giam-phat-thai-cac-bon-bao-ton-rung-01-1711007264.jpg
Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon). (Ảnh minh họa)

Mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/3 thông tin, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp (FCPF) của WB. Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019.

giam-phat-thai-cac-bon-bao-ton-rung-03-1711007293.jpg
Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019.(Ảnh minh họa)

Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019. Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia.

Bình luận về kết quả này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thành công của chương trình REDD+ đưa Việt Nam đến gần hơn với việc thực hiện các NDC đầy tham vọng của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ các khu vực quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Bước tiến để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu

Việt Nam đã thu được kết quả giảm phát thải vượt quá khối lượng đã ký hợp đồng với Quỹ FCPF, có thể bán khối lượng giảm phát thải vượt trội này cho bên thứ ba, thông qua các Hiệp định song phương hoặc thị trường carbon. Việt Nam cũng có thể sử dụng các kết quả giảm phát thải vượt trội này cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hoặc giữ lại cho các mục tiêu về khí hậu.

"Khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiến để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của quốc gia", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết.

Chương trình này đã tạo ra 16,2 triệu kết quả giảm phát thải đã được xác minh cho giai đoạn 2018 - 2019, cao hơn 5,9 triệu so với khối lượng 10,3 triệu trong Thỏa thuận chi trả giảm phát thải. Ngân hàng Thế giới đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu kết quả giảm phát thải bên ngoài số lượng hợp đồng. 

giam-phat-thai-cac-bon-bao-ton-rung-02-1711007250.jpg
Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng.(Ảnh minh họa)

Chương trình giảm phát thải của Việt Nam bảo vệ các khu rừng nhiệt đới của đất nước, bao phủ 3,1 triệu trong số 5,1 triệu ha đất trong khu vực thực hiện chương trình. Những khu rừng này có tầm quan trọng về sinh thái, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận.

Khu vực này cũng là nơi sinh sống của 12% dân số Việt Nam, bao gồm 13 nhóm dân tộc thiểu số và nhiều cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào rừng, trong đó gần 1/3 dân số trong khu vực sống dưới mức nghèo của quốc gia. Thông qua việc cải thiện quản lý rừng, đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và tăng cường các chính sách nông nghiệp, chương trình giúp tăng cả phạm vi và chất lượng che phủ rừng với sự hợp tác của cộng đồng địa phương./.

Bình Châu