Việt Nam có thể thu về gần 5.000 tỷ đồng bán tín chỉ carbon mỗi năm

Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiên nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.
trong-rung-tin-chi-cac-bon-02-1709261302.jpg
Cơ hội khai thác tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ hoạt động trồng rừng. (Ảnh minh họa)

Hiệu quả từ trồng rừng khai phá tiềm năng thị trường tín chỉ carbon

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Bộ NN&PTNT đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp cho năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và các thông tư hướng dẫn địa phương đáp ứng Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ các công ty nông lâm trường chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp.

Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiên nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng. Ông cho rằng, đây là một con số lớn, tương đương nguồn đầu tư công hàng năm của ngành.

Sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành quả to lớn.

Diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%; giá trị sản xuất tăng ổn định ở mức 4,6%, có năm cao hơn 6%; thu dịch vụ môi trường rừng gần 11.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục lập kỷ lục, trong đó năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD; xuất siêu gần 40 tỷ USD trong 3 năm gần nhất.

Năm vừa qua, ngành lâm nghiệp lần đầu bán được trên 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon, Việt Nam lọt top 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.

trong-rung-tin-chi-cac-bon-01-1709261285.jpg
Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiên nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.(Ảnh minh họa)

Trước đó, Thứ trưởng cũng thông tin về cam kết của Ý về mua bán giảm phát thải ký kết giữa Việt Nam (Bộ NN&PTNT) với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent - cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022-2026.

Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho hay.

Những chuyển động bắt nhịp với thị trường carbon toàn cầu

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động này cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.

Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Nguồn tiền này sẽ chi trả cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên.

Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

trong-rung-tin-chi-cac-bon-03-1709261376.jpg
Việt Nam cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp để thực hiện giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc.(Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, trong đó có đề cập đến những quy định đầu tiên về mua bán, chuyển giao tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng nêu rõ, thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính và công nghệ của các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước và tham gia vào thị trường carbon toàn cầu. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những quy định mới về mua bán tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng chế định việc tổ chức và phát triển thị trường carbon như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Với lợi thế và tiềm năng to lớn, việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đã được WB đánh giá rất cao. Chính phủ chỉ đạo đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy vậy, theo các nhà quản lý, hiện còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách có liên quan để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực này./.

Trọng Bình