Việt Nam là thị trường mới được doanh nghiệp Mỹ Latinh quan tâm

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh trong những năm gần đây không ngừng được mở rộng và phát triển.

Là nền kinh tế phát triển năng động, Mỹ Latinh đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp thế giới; trong đó, có các doanh nghiệp Mỹ Latinh ngày càng quan tâm.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Mỹ Latinh do Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Diễn đàn nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về những thay đổi trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực Mỹ Latinh, phân tích tình hình thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xác định các cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định thương mại đang đi vào thực thi.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 63 lần từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 8,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,3 tỷ USD.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Mỹ Latinh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD như các dự án phát triển mạng viễn thông ở Haiti và Peru, sản xuất mỳ ăn liền ở Brazil.

Ở chiều ngược lại, hiện có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 297 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9,3 tỷ USD.

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh, trong suốt những năm qua, Việt Nam đã duy trì cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư với một số nước trong khu vực như: Argentina, Brazil, Chile, Cuba, Haiti, Mexico, Panama, Paraguay, Peru, Uruguay và Venezuela.

Các Uỷ ban này là kênh quan trọng để hai bên trao đổi thông tin; xác định các lĩnh vực, cơ chế và dự án hợp tác; hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác mà hai bên cùng quan tâm.

1a833da6e6a103aa9d5378b1d01147f5-1639038714.jpg
Việt Nam đã trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong khu vực; nhất là Hiệp định thương mại tự do với Chi Lê được ký ngày 11 tháng 11 năm 2011 và đi vào hiệu lực từ năm 2014 và tiếp theo đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); trong đó có 3 nước Mỹ Latinh gồm: Mexico, Chile, Peru là thành viên.

Hiệp định CPTPP đã đi vào thực thi gần 3 năm qua đối với Mexico, Chile và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021 đối với thị trường Peru và đem lại những kết quả hết sức tích cực. Các Hiệp định trên được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với các trong khu vực.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cùng với Chính phủ các nước thành viên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm: Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay cũng đang tích cực trao đổi để xem xét khả năng thúc đẩy một Hiệp định ưu đãi Thương mại. Qua đó, mở đường cho hàng hóa Việt Nam và Mỹ Latinh thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường tiềm năng của nhau.

Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và những tiềm năng hợp tác to lớn, Việt Nam và các nước khu vực Mỹ Latinh đang ngày càng xích lại gần nhau để mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Đặc biệt, quan hệ Việt Nam – Mỹ Latinh đang đứng trước những có hội lớn cần nắm bắt và những thách thức cần vượt qua để có thể phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.

Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Cùng đó, hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, thu hút từ 12-13 tỷ USD đầu tư từ khu vực.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn đang tiếp tục đứng trước những thách thức trong hợp tác kinh doanh, từ khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải - đi lại dài và chi phí cao, đến sự khác biệt về ngôn ngữ. Đặc biệt, là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu trong hai năm vừa qua làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tất cả những trở ngại và thách thức đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực khiến cho việc duy trì và nâng cao mức kim ngạch hai chiều trong thời gian tới đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn của Chính phủ, các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã giới thiệu hai ấn phẩm " Thông tin xuất khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ" và "Tiềm năng hợp tác thương mại và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Khối thị trường chung Nam Mỹ - Mercosur".  Đây là nỗ lực của Bộ Công Thương cùng với Thương vụ Việt Nam tại các nước, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng nhằm cung cấp các thông tin và giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng những ưu đãi, cơ hội tại khu vực này trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hy vọng, cùng với sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh cũng như Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Hà Nội, thời gian tới, những thông tin hữu ích này sẽ được phổ biến sâu rộng cho doanh nghiệp hai bên để kịp thời nắm bắt những cơ hội mới.

Tại diễn đàn, bà Tatiana Clouthier-Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico, Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) năm 2021 cũng khẳng định, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã tạo ra khuôn khổ thương mại với nhiều ưu đãi để tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước.

Tuy nhiên, có 5 lĩnh vực, Mexico đang quan tâm là khả năng liên kết các trung tâm sản xuất để hai bên tạo một phần của chuỗi giá trị toàn cầu tại khu vực Bắc Mỹ và Đông Nam Á; khuyến khích nhà cung ứng của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của Mexico.

Theo đó, Mexcio đã đang tìm kiếm quan tâm tìm kiếm vào những lĩnh vực khác nhau, nổi bật như xe điện, sản phẩm điện tử, ngành hàng không vũ trụ.

"Đặc biệt, Mexico muốn kêu gọi Việt Nam tham dự vào những cơ hội mà chúng tôi đang kêu gọi chuỗi cung ứng ở Bắc Mỹ và những cơ hội từ các nước Mỹ Latinh khác, nơi mà Mexico đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp."- bà Bộ trưởng Kinh tế Mexico nhấn mạnh.

Ngoài ra, Mexico có nhiều tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như mặt hàng máy móc điện tử, nhôm, thiết bị đo lường, kiểm soát y tế, các loại dụng cụ phẫu thuật, tinh dầu, thịt bò, trái cây, rau củ, các loại bia... Đây cũng chính là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa hai nước, từ đó thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh nhằm mục đích cung cấp thông tin về tình hình các nước trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau rà soát và cập nhật tình hình chính sách, đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp để giúp định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp các nước khu vực Mỹ Latinh có chiến lược tiếp cận thị trường của nhau bài bản và thuận lợi hơn. Đồng thời, tận dụng tối đa những ưu đãi hiện có và khai thác những tiềm năng vốn có trong thời gian tới.

Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường; làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh./.