Thương mại Trung Quốc-Mỹ Latinh tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch

Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã đạt gần 331,9 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1-9/2021, tăng 45,5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là con số được công bố gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Trung Quốc-Mỹ Latinh và Caribe lần thứ XIV diễn ra tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), quy tụ giới chính khách, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia từ cả hai phía. Tại sự kiện này, các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ Latinh đã ký 8 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi, khoáng sản, ô tô và thiết bị y tế, với tổng giá trị đăng ký khoảng 1,1 tỷ USD.

Trong đó, Jinshangxu International Trade cùng các đối tác từ Uruguay (U-ru-goay) và Brazil (Bra-xin) đã ký thỏa thuận nhập khẩu thịt bò trị giá tổng cộng 200 triệu USD trong 5 năm tới. Đại diện doanh nghiệp này nhận định nhu cầu của Trung Quốc đối với thịt bò từ Mỹ Latinh và Caribe duy trì đà tăng trưởng qua từng năm. Về phần mình, Đại sứ Uruguay tại Trung Quốc Fernando Lugris cho biết thị trường hơn tỷ dân chiếm lần lượt 60% và 80% xuất khẩu thịt bò và thịt cừu của quốc gia Nam Mỹ. Trong khi đó, Omar Ángel Perotti, Thống đốc tỉnh Santa Fe của Argentina (Ác-hen-ti-na), nhấn mạnh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này sang Trung Quốc đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, năm 2018, Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Santa Fe, song đã vượt lên vị trí dẫn đầu chỉ sau một năm.

kinh-t-th-gi-i-4dbf2-1637888841.jpg
Nhiều quốc gia đang phục hồi kinh tế mạnh mẽ - ảnh minh họa.

Trung Quốc đồng thời cũng khẳng định vai trò là nhà đầu tư quan trọng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh vừa qua, thỏa thuận lớn nhất được ký kết có trị giá tới 700 triệu USD. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Tibet Summit Resources sẽ đầu tư dự án pin lithium carbonat tại tỉnh Salta, Argentina, với sản lượng dự kiến là 100 nghìn tấn/năm.

Theo số liệu của Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT), Mỹ Latinh và khu vực Caribe đứng thứ hai trong danh sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài của “con rồng châu Á”. Tại khu vực có hơn 2.700 công ty có vốn Trung Quốc đang hoạt động, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong khi năng lượng là một lĩnh vực hợp tác mới nổi. Mạng lưới Học thuật Mỹ Latinh và Caribe về Trung Quốc cho biết trong giai đoạn 2005-2020, Trung Quốc đã triển khai 138 dự án hạ tầng tại khu vực, với tổng vốn đầu tư trên 94 tỷ USD và tạo ra hơn 600.000 việc làm.

Những con số ấn tượng sẽ không dừng lại tại đó. Nhằm mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trong mô hình phát triển mới, hội nghị vừa qua đã khởi động Sáng kiến Trùng Khánh giữa Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh và Caribe, với các đề xuất về hợp tác nhằm giải quyết những thách thức do COVID-19 gây ra và bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế cởi mở, bao trùm, cân bằng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả người dân. Sáng kiến cũng kêu gọi tiếp tục thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả hội nhập tài chính, tham gia mạnh mẽ vào hợp tác đổi mới và tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phó Chủ tịch CCPIT Trương Thiệu Cương nhận định Trung Quốc và khu vực Mỹ Latinh và Caribe có nền bổ trợ lẫn nhau cũng các chiến lược phát triển tương thích và tiềm năng hợp tác lớn. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng những nỗ lực chung từ cả hai phía sẽ thúc đẩy mức độ liên kết hợp tác cao hơn và xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, quan hệ thương mại-đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh không những “vượt bão” thành công mà còn đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Có thể thấy, đôi bên sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng hợp tác to lớn với nhiều nội dung đổi mới nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía./.