Việt Nam hướng đến trung tâm tài chính quốc tế, sàn giao dịch tài sản mã hóa là điểm nhấn

Việt Nam đang đặt tham vọng trở thành một trung tâm tài chính trọng điểm khu vực và quốc tế với mục tiêu cụ thể: đến năm 2035 là trung tâm tài chính quy mô khu vực và năm 2045 là trung tâm tài chính quy mô quốc tế.
thanh-pho-ho-chi-minh-scaled-1728668130.jpg
Việt Nam sẽ có trung tâm tài chính quy mô khu vực, sàn giao dịch tài sản mã hóa tại TP. HCM và Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung tâm tài chính

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế, với mục tiêu nâng tầm thị trường tài chính Việt Nam và hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế. Dự thảo đề xuất hai mô hình: Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, tập trung phát triển toàn diện với hai khu vực trọng điểm là quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; và Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng, ưu tiên phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế trọng điểm, kết nối với Khu thương mại tự động do Đà Nẵng và cơ chế thử nghiệm kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực fintech.

Việc xây dựng các trung tâm tài chính này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, như kết nối chặt chẽ hơn với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính quốc tế, tận dụng cơ hội chuyển đổi dòng vốn đầu tư quốc tế, và cung cấp thị trường tài chính hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù việc xây dựng các trung tâm tài chính đặt ra nhiều thách thức, nhưng nếu thành công, sẽ là một bước tiến quan trọng, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Tờ trình của Bộ KH-ĐT cho biết, Ban Chỉ đạo Trung tâm Tài chính đóng vai trò then chốt, nắm giữ quyền điều phối và quản lý tối cao. Ban Chỉ đạo sẽ quyết định chiến lược phát triển, đầu tư và các vấn đề trọng yếu liên quan đến Trung tâm Tài chính. Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ, thể hiện tầm quan trọng chiến lược của Trung tâm Tài chính đối với nền kinh tế đất nước.

Để đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của Trung tâm Tài chính, cơ quan giám sát được thành lập, bao gồm đại diện từ các cơ quan chủ chốt như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, UBND cấp tỉnh, thành phố nơi đặt Trung tâm Tài chính. Sự tham gia giám sát từ nhiều cơ quan khác nhau sẽ giúp đảm bảo tính khách quan, công khai và minh bạch trong mọi hoạt động của Trung tâm Tài chính.

Để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và hiệu quả, Trung tâm Trọng tài Quốc tế thuộc Trung tâm Tài chính được đề xuất thành lập. Mô hình này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các Trung tâm Trọng tài Thương mại, song được bổ sung thêm một số đặc thù nhằm tạo niềm tin và thuận tiện cho các chủ thể tham gia. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định và minh bạch của Trung tâm Tài chính trong tương lai.

Cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ phát triển trung tâm tài chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã kiến nghị một loạt các chính sách ưu tiên nhằm đẩy mạnh xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường tài chính trong nước.

Trong nhóm các chính sách cần áp dụng ngay, Bộ KH-ĐT đề xuất tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh, bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, áp dụng hệ thống đăng ký trực tuyến và cho phép thực hiện cơ chế sandbox với các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ tài chính.

ck-phai-sinh-udfw-cjmb-sree-1728668513.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị áp dụng ngay cơ chế sandbox với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Ảnh minh họa.

Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT đề xuất chính sách ưu đãi cho các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở đến Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh và làm việc của chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề xuất một số chính sách được tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc sau năm 2035, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của thị trường tài chính, bao gồm việc áp dụng pháp luật án lệ, hình thành tòa án tài chính độc lập và thiết lập khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương quốc gia (CBDC).

Với những chính sách ưu tiên này, Bộ KH-ĐT kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển thị trường tài chính Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế./.

Đề án Xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, khẳng định vị thế của TPHCM trên bản đồ tài chính thế giới:

Năm 2035: TPHCM sẽ vươn lên trở thành trung tâm tài chính có tầm ảnh hưởng khu vực, đồng thời lọt vào Top 75 thế giới và Top 25 châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2045: Mục tiêu cao cả hơn, TPHCM hướng đến vị thế trung tâm tài chính quốc tế, góp mặt trong Top 20 thế giới và Top 10 châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời, đề án đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực fintech, đặt mục tiêu dẫn đầu:

Năm 2035: TPHCM sẽ nằm trong Top 75 trung tâm tài chính Fintech thế giới, Top 25 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giành vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Năm 2045: TPHCM sẽ xếp hạng Top 20 thế giới, Top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trở thành "á quân" ASEAN trong lĩnh vực Fintech.

Hiện trạng: Đang từng bước khẳng định vị thế

Theo Báo cáo GFCI lần thứ 36 (tháng 9/2024), TPHCM đạt 609 điểm, xếp hạng 100/116 trong lĩnh vực fintech, tăng 4 bậc và 6 điểm so với báo cáo trước. So với các trung tâm tài chính trong khu vực, TPHCM đã vượt qua Manila - Philippines (101) và Bangkok - Thái Lan (102), chỉ xếp sau Jarkarta - Indonesia (xếp hạng 94).

Đây là những dấu hiệu tích cực, khẳng định TPHCM đang trên đà phát triển và từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ tài chính quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đã đề ra, TPHCM cần những giải pháp đột phá, chiến lược bài bản và sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

Lê Thuận