Hiện, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất và thường xuyên đối với tất cả mọi quốc gia trên thế giới, là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, dành nhiều nguồn lực để ứng phó. Tác động nghiêm trọng của BĐKH đòi hỏi toàn cầu cần hành động khẩn trương, mạnh mẽ để đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ ở mức 1,50C.
Để thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và kết quả đạt được, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính (KNK), tài chính cho khí hậu (trong đó tín dụng xanh) là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu đó. Bởi nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước
Việt Nam đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” vào tháng 10/2021, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Cùng với đó, Việt Nam triển khai kế hoạch, hành động để phát triển xanh, tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (Cop26); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)… Để thực hiện được các mục tiêu trên, ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD cho đến 2050, trong đó riêng nhu cầu tài chính đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.
Để thúc đẩy thị trường tài chính xanh, Chính phủ đã ban hành nhiều Luật lệ, khuyến khích các tổ chức trong nước xây dựng các tiêu chuẩn xanh, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường tài chính xanh để thu hút đầu tư. Cụ thể, về tiêu chí phân loại các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Các dự án bao gồm: đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 149 hoặc khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường và theo quy định tại Nghị định được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo quy định.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tại Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Hiện tại, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở, nhưng theo ông Lực, dòng vốn xanh ở Việt Nam còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như: Chưa có các sản phẩm tài chính xanh sản phẩm tín dụng xanh, chứng khoán xanh) đặc thù/cụ thể; Chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (nhất là quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…).
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng cho rằng: Thực tế quá trình triển khai, để đánh giá các dự án xanh đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về tiêu chí để xác định như thế nào là “xanh”. Định nghĩa và tiêu chí để xác định một dự án "xanh" việc thu thập dữ liệu chi tiết và công cụ đánh giá kỹ thuật đặc thù để xác định dự án có thực sự xanh tại các tổ chức tín dụng chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong quá trình xét duyệt các khoản vay.
Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng, chuyển đổi các dự án xanh thường có kỳ hạn dài có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn…. “Trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn nên khó khăn trong thu xếp vốn với lãi xuất ưu đãi cho các dự án xanh với kỳ hạn dài.” TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Tuy vậy con số về tín dụng xanh, trái phiếu xanh còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh.
Để tiếp cận nguồn vốn xanh, theo TS. Lê Duy Bình các doanh nghiệp cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả và tìm các nguồn vốn cũng như nâng cao điểm thực hành phát triển bền vững. Cùng với đó, Chính phủ cần có những chính sách, cơ chế để mở rộng thêm nguồn vốn xanh từ trái phiếu doanh nghiệp, các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế.
Bà Trương Hạnh Linh, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Dịch vụ Tư vấn Rủi ro và ESG của Tổ chức KPMG cũng đề xuất: Hiện nay để thu hút được những nguồn vốn xanh thì vẫn sẽ quay trở lại bài toán về cơ chế chính sách. Từ phía các cơ quan quản lý việc đưa ra các hướng dẫn và cơ chế cũng như các chương trình, những hướng dẫn cho các doanh nghiệp, các ngân hàng hiểu rõ về tín dụng xanh là quan trọng nhất. Từ phía doanh nghiệp thì cũng cần có những thay đổi về mặt nhận thức, cần phải nâng cao năng lực, xây dựng được các lộ trình và tích hợp những lộ trình đó vào trong chiến lược của mình để có thể tiếp cận được những nguồn vốn xanh, không chỉ là nguồn vốn ở trong nước mà còn từ các tổ chức quốc tế./.