Là một trong những hộ tiên phong trồng vải thiều tại xã Dang Kang, gia đình ông Nguyễn Văn Quý có khoảng 5 sào, trồng giống vải u hồng từ năm 2018. Năm ngoái vườn vải đạt sản lượng cao khoảng 6 tấn do thời tiết thuận lợi đã giúp ông Quý thu lãi hơn 100 triệu đồng. Năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến vườn vải gần như không ra hoa. Tỷ lệ cây ra hoa chỉ đạt khoảng 10%.
Ông Quý than thở: “Năng nóng kéo dài làm cho nhiều trái vải bị nấm, nứt và khô vỏ buộc phải cắt bỏ. Lại còn chim chóc kéo đến phá nên số lượng vải sau thu hoạch của gia đình tôi còn lại chẳng đáng kể. Ước tính năm nay cao lắm cũng chỉ thu được bằng phân nửa so với năm ngoái”.
Lâm vào tình cảnh tương tự là vườn vải u trứng rộng 1,5 ha của gia đình ông Phạm Văn Hùng cũng thuộc xã Dang Kang. Gần thu hoạch mà năm nay vườn vải nhà ông Hùng chỉ lác đác trái trên cây. Năm trước, vườn vải của ông Hùng cho được 2 tấn, thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Tổng kết sau thu hoạch ông Hùng thu lãi hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay sản lượng ước tính chỉ bằng 1/10 so với năm ngoái do thời tiết bất lợi. “Với giá thương lái đặt mua như hiện nay là 47.000-50.000 đồng/kg, thì thu hoạch năm nay chỉ mới đủ trả tiền phân bón” - ông Hùng nhẩm tính.
Toàn xã Dang Kang hiện nay có hơn 100 ha vải. Đa phần trong số đó đều mất mùa khoảng đến 80 - 90% so với năm ngoái. Thậm chí, có một số vườn vải gần như mất trắng. Thiệt hại về kinh tế cho người nông dân ước tính khá lớn. Theo ông Huỳnh Hoàng Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Dang Kang: “Năm nay thời gian lạnh ít, tháng 11 - tháng 12 là thời điểm cây vải ra hoa gặp ngay lúc nắng nóng dẫn đến khô hoa, không thể đậu quả. Ngoài ra, một phần nguyên nhân là do người dân chậm triển khai các biện pháp thúc vải ra hoa (khoanh cây, siết nước) không đúng thời điểm nên năng suất thu hoạch không như kỳ vọng”.
Tại xã Hòa Thành, nhiều hộ dân cũng chung tình cảnh mất mùa giống như xã Dang Kang. Hầu hết các vườn vải ở đây đều không đậu quả khiến người trồng có một năm thất thu. Cụ thể là gia đình ông Hoàng Văn Vinh có 1 ha với gần 300 gốc vải u hồng. Năm trước, ông thu được hơn 2 tấn vải. Năm nay, dù nỗ lực làm mọi thứ có thể từ chăm bón, khoanh cây, xiết nước để thúc cây ra hoa như mọi năm, nhưng nắng hạn kéo dài làm vải không ra hoa, đậu trái được khiến ông Vinh cũng bất lực. “Vụ này coi như bỏ. Tôi đã cắt cành, tạo tán để cây sớm phục hồi, chuẩn bị cho vụ mùa sau” - ông Vinh cho biết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Bông, toàn huyện hiện có khoảng 237 ha vải, được trồng chủ yếu tại các xã Dang Kang, Hòa Sơn và Hòa Thành. Trong đó, có 105 ha là diện tích cho thu hoạch. Đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây vải phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Ngoài ra, cây vải thiều trồng tại huyện có ưu thế chín sớm khoảng hơn một tháng so với các tỉnh miền Bắc nên thường được các thương lái thu mua hết với giá cao từ 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy thời điểm. Trong những năm qua, cây vải được xem là chủ lực cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác.
Năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi làm cho sản lượng vải sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Phòng NN-PTNT Dang Kang khuyến cáo bà con không nên bỏ bê mà hãy tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho vụ sau. Đồng thời, Phòng NN-PTNT cũng chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải theo hướng thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Võ Tấn Trực - Trưởng NN-PTNT Krông Bông cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng vải, theo định hướng giai đoạn 2025 - 2030 là 500 ha. Bước kế tiếp là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và thương hiệu vải đặc trưng của huyện Krông Bông. Song song đó, huyện cũng gọi các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm canh tác và gắn bó lâu dài với cây vải”./.