Hạn hán khốc liệt ở Đắk Nông: 31 công trình thủy lợi cạn khô, gần 10.000ha cây trồng có nguy cơ mất mùa

Tình hình hạn hán ở Đắk Nông vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt, 9.960ha cây trồng bị ảnh hưởng, đối diện nguy cơ mất mùa. Trong khi đó có 31 công trình thủy lợi đã hết hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước.

Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết tình hình trữ lượng nguồn nước đến ngày 10/4/2024, tổng dung tích nước tại 255 công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 71,86 triệu m3, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mực nước bình quân của các công trình thủy lợi hiện chỉ đạt 45,4% dung tích thiết kế.

co-31-cong-trinh-thuy-loi-da-het-nuoc-hoac-sap-can-kiet-nguon-nuoc-tai-dak-nong-1713292874.jpg
Có 31 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước tại Đắk Nông bởi hạn hán, khô hạn.

Về 31 công trình thủy lợi đã hết hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước trên địa bàn tỉnh, huyện Đắk Mil có 17 công trình, huyện Krông Nô có 3 công trình, huyện Đắk Song 3 công trình, huyện Đắk R’lấp 3 công trình và huyện Tuy Đức 5 công trình.

Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, căn cứ theo tình hình nắng nóng khốc liệt như hiện nay, dự kiến sẽ có 9.960ha cây trồng trên địa bàn tỉnh thiếu nước tưới. Cụ thể, huyện Krông Nô khoảng 4.510ha; Đắk Mil khoảng 3.450ha; Cư Jút khoảng 2.000ha. Những diện tích cây trồng này đang đứng trước nguy cơ chết hoặc sụt giảm năng suất.

nhieu-vung-trong-ca-phe-o-dak-nong-bi-anh-huong-nghiem-trong-boi-kho-han-co-nguy-co-mat-mua-1713292921.jpg
Nhiều vùng trồng cà phê ở Đắk Nông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khô hạn, hạn hán có nguy cơ bị mất mùa.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông cho biết từ nay đến nửa đầu tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục giảm. Tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ là không thể tránh khỏi.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết: “Hiện thời địa phương chưa thiếu nước sinh hoạt nhưng cũng cần phải lên phương án ứng phó và có kế hoạch cụ thể. Việc này giúp đảm bảo khi xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt thì sẽ ứng phó kịp thời, đáp ứng nguồn nước cho người dân”.

ho-nong-truong-thuan-an-o-xa-thuan-an-huyen-dak-mil-da-can-kho-nuoc-tu-hon-1-thang-qua-1713292984.jpg
Hồ Nông trường Thuận An ở xã Thuận An (Đắk Mil) đã cạn khô nước từ hơn 1 tháng qua.

Ông Hoàng Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, đến hiện giờ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 27% diện tích sản xuất nông nghiệp. "Địa phương đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm tận dụng dung tích nước chết tại các hồ chứa. Đồng thời, truyền nước từ các hồ dung tích lớn về các hồ dung tích nhỏ. Đơn vị đã tiến hành kiểm tra, cập nhật và đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập, … và khảo sát iện tích cây trồng không đủ nước. Từ đó, xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng cho phép” - ông Nghĩa cho biết.

nao-vet-ho-de-tan-dung-nhung-nguon-nuoc-cuoi-cung-cho-cay-trong-1713293028.jpg
Nạo vét hồ để tận dụng những nguồn nước cuối cùng cho cây trồng.

Ông Nguyễn Thừa Anh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết đơn vị mình đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với hạn hán và đảm bảo nguồn nước phục vụ người dân. 

Tuy nhiên, ông Thừa Anh cũng nhận định rằng đơn vị đang gặp khó khăn do người dân chưa thực hiện đúng kế hoạch xuống giống, làm cho cuối vụ sẽ rơi vào mùa khô, bị thiếu nước tưới. “Nhiều hồ thủy lợi quy hoạch tưới nhỏ nhưng diện tích tưới trên thực tế lại gấp nhiều lần. Nhiều diện tích nằm ngoài quy hoạch thì không thể thu tiền dịch vụ thủy lợi. Trong khi đó, việc thanh toán - quyết toán lại chưa có hướng dẫn cụ thể mà đơn vị bắt buộc phải thực hiện chống hạn nên gặp nhiều khó khăn.” - ông Thừa Anh phân tích.

Kiến Giang