Những năm gần đây, nhiều nông hộ ở huyện Ea H’leo đã đưa vào áp dụng quy trình tưới tiết kiệm nước theo phương pháp nhỏ giọt, tươi phun sương hay phun cục bộ… phủ lên diện tích vườn cây của mình. Tuy nhiên, chi phí đầu tư một hệ thống tưới hoàn chỉnh khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha, là mức khá cao nên không phải ai cũng có đủ điều kiện lắp đặt.
Ông Nguyễn Nhị (xã Ea Hiao) đã lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương trị giá 50 triệu đồng. Hệ thống đường ống tưới được ông Nhị bố trí cách gốc cây từ 50-70 cm. Mỗi gốc cây được gắn một béc phun nước. Vào thời điểm khô hạn, nhà ông vẫn có đủ nước tưới cho 300 cây sầu riêng, 200 cây mắc ca, 1.000 cây cà phê, 200 trụ hồ tiêu và giúp các loại cây trồng phát triển tốt.
Ông Nhị cho biết hệ thống tưới nước tiết kiệm này giúp vườn nhà mình duy trì độ ẩm đất, giúp bộ rễ cây phát triển khỏe. Đặc biệt là không gây úng đất cục bộ như tưới tràn. Hệ thống này còn kiểm soát được lượng phân bón hòa với nước theo liều lượng định sẵn. Chúng được phân phối đều tới các cây, hạn chế bốc hơi và tăng hiệu quả sử dụng.
“Mô hình này giúp tôi tiết kiệm 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Ngoài ra, có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây. Hệ thống này nếu bảo quản tốt có thể dùng được từ 8 - 10 năm”, ông Nhị cho hay.
Thêm vào đó, phân bón được hòa với nước theo liều lượng định sẵn, đưa vào hệ thống đường ống tưới, phân phối đều tới các cây, hạn chế bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng. Nhờ đó, tiết kiệm 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Ngoài ra, có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây. Nếu bảo quản tốt, hệ thống thiết bị có thể sử dụng từ 8 - 10 năm”.
Với những ưu điểm thấy rõ của hệ thống này, 5 năm nay anh Nguyễn Cao Trí (xã Dliê Yang) đã đầu tư một hệ thống tưới nhỏ giọt Israel cho 1 ha cà phê và sầu riêng. Anh Trí cho biết nếu như trước đây để tưới 1 ha cà phê, gia đình phải mất 2 - 3 ngày với 3 nhân công lao động. Còn bây giờ với hệ thống tưới nước tiết kiệm, chỉ cần bật công tắc thực hiện thao tác chỉnh các van mở nước là tưới được cho cả vườn cây.
Khi khởi động hệ thống, nước tưới được bơm đều đến từng gốc. Trung bình từ 30 - 50 lít nước/giờ. Sau khoảng 1 giờ tưới thì nước ngấm đến độ sâu trên 30 cm. Đồng thời, các tưới nhỏ giọt tiết kiệm này còn giúp đưa nước và chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ cây, tạo điều kiện cho cây hấp thụ phân bón triệt để, mà còn giảm chi phí bón phân, bảo vệ tốt môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo tính toán của anh Trí, chi phí đầu tư cho phương pháp tưới nhỏ giọt Israel mà anh đang sử dụng khá cao nhưng lại giúp tiết kiệm 90% công lao động, trên 70% chi phí điện nước và 20% lượng phân bón. “Hệ thống này rất phù hợp với điều kiện thời tiết nắng hạn, thiếu nước trong mùa khô của Tây Nguyên” - anh Trí khẳng định.
Ông Lê Xuân Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H’leo đánh giá về mặt thực tế thì việc ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống. Nó giúp chủ nông hộ tiết kiệm được đáng kể nhiều loại chi phí như lượng nước, nhân công lao động va phân bón từ 30-50% so với cách làm cũ.
“Mô hình tưới tiết kiệm nước là một trong những ứng dụng hiệu quả để đương đầu với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu và giảm mức độ thiệt hại sản xuất”, ông Xuân Anh bày tỏ.
Trong thời gian sắp tới, Hội Nông dân huyện Ea H’leo sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật lắp đặt công nghệ tưới nước tiết kiệm cho nông dân. Mặt khác, Hội cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng giúp người dân vay vốn đầu tư ứng dụng mô hình này đưa vào trong sản xuất nông nghiệp./.