Khoảng tháng 5/2010, tại một cánh đồng của thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, người dân phát hiện có một tảng đá nửa chìm nửa nổi trên mặt đất, có khắc nhiều ký tự lạ.
Thời điểm đó, người dân nghĩ rằng đây là điểm đánh dấu một kho báu nên đã cất công đào bới, tìm kiếm. Câu chuyện được đồn thổi khắp nơi khiến nhiều người tưởng thật tiến hành đào bới tìm kho báu. Sự việc khiến tảng đá có nguy cơ bị hư hại, đổ vỡ nên Phòng Văn hóa thông tin huyện Đak Pơ đã tiến hành xây dựng mái che và hàng rào xung quanh để tránh bia đá bị phong hóa, hư hỏng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển du lịch của địa phương.
Gần 10 năm sau, bia Tư Lương được giáo sư Arlo Griffiths - Viện Viễn Đông Bác Cổ giải mã. Ngày 4/10/2019, bản dịch bia ký Tư Lương được công bố chính thức, các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ về sự kiện đặc biệt này. Trên bảng giới thiệu đặt tại vị trí tường nhà che bia Tư Lương có nội dung: Chủ nhân bia là người Chăm. Năm lập bia 1438 (tức năm 1360 - niên đại Saka, dưới thời vua YURA Bhadravarman De va). Vì vậy, hầu hết các phương tiện truyền thông đều ghi rằng: bia Tư Lương được lập năm 1438, dưới thời YURA Bhadravarman De va!
Để tìm hiểu về vị vua này, chúng ta trở lại lịch sử cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Thời kỳ này, nhà Trần đang suy thoái, Champa dưới thời Chế Bồng Nga đang hưng thịnh. Giữa Champa và Đại Việt xảy ra chiến tranh liên miên. Vua Chăm Chế Bồng Nga nhiều lần tấn công Đại Việt, thậm chí đưa quân vào tận kinh thành Thăng Long đốt phá khiến vua tôi nhà Trần phải nhiều lần rời bỏ kinh thành đi lánh nạn.
Năm 1390, Chế Bồng Nga tiến quân ra Hoàng Giang (Ninh Bình). Quân Trần do thượng tướng Trần Khát Chân chỉ huy thấy thế bất lợi nên lui quân về mai phục ở sông Hải Triều. Chế Bồng Nga tính đánh chiếm Hải Triều, rồi tiến thẳng lên kinh thành Thăng Long. Tuy nhiên, lúc này trong hàng ngũ quân Champa có tên Ba Lậu Kê trốn sang hàng Đại Việt. Ba Lậu Kê đã chỉ cho thượng tướng Trần Khát Chân vị trí chiến thuyền của Chế Bồng Nga. Trần Khát Chân cho tập trung hỏa pháo bắn vào vị trí thuyền của Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga tử trận, quân Champa tan vỡ. Tướng chỉ huy quân Champa là La Khải (La Ngai) hỏa táng xác Chế Bồng Nga rồi thu quân về.
Sau khi về kinh thành Vijaya (Đồ Bàn), La Khải tự xưng làm vua. La Khải chính là Jaya Siṃhavarman. Năm 1400, La Khải mất, con là VIRA Bhadravarmadeva lên ngôi. Vua Vira Bhadravarmadeva sử việt gọi là Ba Đích Lại. Vua Ba Đích Lại trị vị trong thời gian khá dài từ năm 1401 đến năm 1441 (Theo sách Vương quốc Champa của Gorges Maspero; Nhà xuất bản khoa học xã hội).
Ngoài bia Tư Lương, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có 02 bia ký Chăm cổ khác đó là: bia ký C.42 (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ) được lập vào năm Saka 1331 và bia Drang Lai (mã số C.43, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng) lập năm Saka 1357. Cả 3 bia ký này đều dưới thời vua Ba Đích Lại và cùng do giáo sư Arlo Griffiths dịch.
Nội dung bia ký C.42 do tác giả bài viết này dịch từ bản tiếng Anh của Giáo sư Arlo Griffiths:
“Đó là Y.P.K. Sri Vrsu - Visnujati Virabhadravarmadeva. Cái tên nguyên thủy của vị Hoàng tử, giống như cha của Ông ta P.P.K, một người con siêu việt của thành phố Ṅauk Glauṅ Vijaya. Ông ta đã phát quang và đốn hạ khu rừng Hayav (cá?). Ông đã xây đập trên sông Hayav. Ông chặt hạ rừng để tạo cánh đồng lúa Bhan. Tất cả người Việt mà P.P.K đã bắt giữ trong vùng đất của người Việt, Ông ta mang (họ) đến đây. Ông ta dâng một pamrm cho mệnh bà quyền quý, người mẹ thành công. P.P.K. yva dâng tặng kirendras, hai mươi kukum cho P.P.K. gvac cùng với tất cả những người miền núi có ngoại hình xinh đẹp ở tất cả các tỉnh cho P.P.K gvac. Ông đã xây dựng một ngôi đền đặt tên cho nó là Srisamr ddhipuri. Ông đã xây dựng một đài lửa phía nam pháo đài. Ông chỉ thị cho một nghệ nhân tạo một bức tượng thần Siva. [Ông khuyên răn thần dân] hãy thực hiện thờ phượng hàng ngày, với tầm nhìn đến (sự thịnh vượng của tất cả và sự chia tách) thế giới (bây giờ) và trong thế giới tiếp theo! Hãy chú tâm vào vị vua của họ trong tương lai người sẽ nắm giữ Vương quốc. Đừng phá hủy đền thờ của nhà vua. [Đã khắc vào năm Saka 1331]”.
Bản dịch bia ký Dang Lai được công bố trong cuốn sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng – The inscriptions of Campa at the museum of Cham sculpture in Đà Nẵng” do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á và Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng thực hiện năm 2012:
“Vào năm 1337 của niên lịch Saka (năm 1415 sau Công nguyên), sau cái chết của vua Jayasiṃhavarman, hoàng tử Virabhadravarman, con của ngài, chúa tể vùng Ṅauk Glaun Vijaya, lên kế vị ngai vàng của vương quốc. Sau nhiều trận chiến do vua Việt Nam tiến hành nhằm vào đất nước Chămpa, vua Virabhadravarman đã tấn công Đại Việt ở một thời điểm chưa được xác định rõ. Ngài bắt được một công chúa Việt, nhiều nô lệ, súc vật và của cải của quốc vương Việt Nam trước khi rút về Vijayapuri, nơi đóng đô ưa thích nhất của ngài.
Các mối dây ràng buộc chính trị mật thiết giữa đồng bằng và miền cao đã dẫn đến sự thu nạp ‘Vị Vua vĩ đại của người miền núi’ vào phạm vi lãnh địa có tên gọi Madhyamagrama, và sự thần phục của Sri Gajaraja (‘Vua của loài voi’). Bằng cách này, sự bảo trợ của thần Kiratesvara được mở rộng đến phần lãnh địa trong rừng của vua Chăm. Về phần mình, Virabhadravarman cũng xây dựng cho vùng cao một số loại hình cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như giếng và đường sá.
Năm 1357 thuộc kỷ nguyên Saka (1435 sau Công nguyên), nhà vua xác lập hình tượng một vị thần tên là Kiratesvara. Sau đó nhà vua ban nô lệ, vàng bạc, đất đai và nhân lực để đúc tượng và thờ phụng Kiratesvara. ‘Vị Vua vĩ đại của người miền núi’ đương nhiệm đảm trách hệ thống cung cấp nước, xúc tiến trồng lúa trong khu vực ấy, và đóng góp nguồn nhân lực, là những đàn ông và phụ nữ, bị bắt trước đây. Và thế là một linh địa có tên Bhagit được hình thành”.
Như vậy, theo bia ký C.42 và bia ký Drang Lai (C.43), tên của vị vua này là ViraBhadravarmadeva, nhưng trên bảng giới thiệu tại nhà che bia Tư Lương thì tên vị vua này lại là Yura Bhadravarman De va). Vậy đâu là tên đúng?.
Tác giả bài viết này đã trao đổi qua email với giáo sư Arlo Griffiths về nội dung trên. Giáo sư Griffiths trả lời và khẳng định: tên đúng vị vua trong bia ký Tư Lương là ViraBhadravarmadeva.
Như vậy, theo ý kiến của giáo sư Arlo Griffiths tên vị vua ghi trên bảng giới thiệu tại nhà che bia Tư Lương là không chính xác. Dẫn đến hầu hết các phương tiện truyền thông đều đưa tin sai về tên vị vua này là YURA Bhadravarman De va.
Một điều cần lưu ý là trong cách đặt tên vua Champa cổ thường kết hợp giữa 2 thành phần: Vua - Thần. Thành phần thứ nhất là tên vua và thành phần thứ hai là thần (tiếng Phạn dùng hậu tố varman hoặc deva để chỉ thần). Trong tiếng Phạn (Sanskrit), khi một từ kết thúc với vần “an” kết hợp với một từ tiếp theo thì chữ “n” trong vần “an” bị mất đi. Vì vậy, tên của vị vua này có thể viết theo 2 cách là Vira Bhadravarman hoặc Vira Bhadravarmadeva. Nếu viết tên đầy đủ cả danh xưng thì tên vị vua này là Sri Vrsu Visnujati ViraBhadravarmadeva.
Theo đó, tên vị vua Chăm ghi tại bia Tư Lương là Yura Bhadravarman De va có một số sai sót. Sai sót từ Vira thành Yura thì đã rõ. Sai sót cơ bản nữa là hậu tố Deva (thần) viết rời thành De va không có ý nghĩa gì cả. Và trong cách kết hợp từ giữa Bhadravarman với hậu tố Deva thì chữ “n” cuối cùng trong từ thứ nhất bị mất đi, chỉ còn lại là Bhadravarmadeva, chứ không thể là Bhadravarman De va.
Về niên đại, bia Tư Lương lập năm Saka 1360. Bảng giới thiệu tại nhà che bia Tư Lương ghi: Năm lập bia 1438 (tức năm 1360 - niên đại Saka). Ta biết, lịch Saka sớm hơn Dương lịch 78 năm. Thời điểm bắt đầu năm của lịch Sake là vào khoảng tháng 3 Dương lịch. Như vậy, năm Saka 1360 có thể rơi vào năm 1438 hoặc 1439 Dương lịch. Vì vậy, niên đại bia Tư Lương cũng nên ghi là vào năm 1438-1439, chứ không thể khẳng định là năm 1438.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai cần nghiên cứu, xem xét sửa lại tên vị vua này, năm lập bia trên bảng giới thiệu tại bia Tư Lương cho đúng. Đây cũng là cách để chúng ta thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử./.