Suryavarman nghĩa là thần Mặt Trời (Surya: mặt trời, varman là hậu tố để chỉ thần). Suryavarman II là một trong những vị vua vĩ đại nhất của đế chế Khmer, người đã tạo ra một vương quốc hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong thế kỷ thứ XII với diện tích lãnh thổ trên 1 triệu km2. Ông cũng là người cho xây dựng khu đến Angkor Wat kỳ vĩ liên tục trong vòng 37 năm (1113-1150) với hơn 5 triệu tấn đá sa thạch được lấy từ ngọn núi thiêng Kulen cách đó hơn 50km. Angkor Wat theo tiếng Phạn có nghĩa là “Kinh thành của những ngôi đền” (Angkor là Kinh thành, Wat là đền, chùa). Quần thể di tích đền Angkor Wat được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1992.
Đền Angkor Wat có dạng hình vuông tọa lạc trên khu đất rộng trên 162 ha, xung quanh được bao bọc bởi các hào nước rộng 190m. Các đền tháp ở khu vực Angkor đa số xây dựng quay mặt về hướng Đông (hướng mặt trời mọc: nơi bắt nguồn sự sống), riêng chỉ có Angkor Wat là quay mặt về hướng Tây (hướng mặt trời lặn: hướng tử, hướng về với thần linh).
Con đường dẫn vào đền Angkor Wat đi trên cầu làm bằng đá dài 230m, rộng gần 10m bắt qua hồ nước, 2 bên là rắn thần Naga khổng lồ. Theo quan niệm của người Khmer, rắn Naga là vị thần sông nước, canh giữ những nơi thiêng liêng. Vì vậy, rắn Naga luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Rắn Naga còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên thiên đàng. Đường vào trung tâm đền Angkor Vat đi qua cầu rắn Naga là con đường đi từ cõi trần về với cõi thần linh!
Đền Angkor Wat thờ thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo. Đền Angkor Wat cũng là nơi thờ vua Suryavarman II dưới hình thức Vua - Thần kết hợp. Từ thế kỷ XIII trở đi, vương quốc Khmer chuyển dần từ Hindu giáo sang Phật giáo. Hiện nay, hơn 90% người Campuchia theo Phật giáo. Angkor Wat được chuyển sang thờ Phật. Bức tượng thần Vishnu 8 tay của Hindu giáo được khoát chiếc áo choàng Phật giáo và được thờ như là tượng Đức Phật.
Đền Angkor Wat xây dựng theo mô hình núi Meru trong thần thoại của Hindu giáo (Ấn Độ giáo). Angkor Wat gồm 5 ngọn tháp: Tháp chính cao 65m là nơi thờ thần Vishnu; 4 tháp xung quang cao 40m là nơi cư ngụ của các vị thần khác như: Shiva, Brahma, ... Toàn bộ ngôi đền được làm từ các tảng đá xếp chồng lên nhau và hoàn toàn không sử dụng vật liệu kết nối. Ngôi đền chính gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá ở trên tường, trần phòng, diềm mái … đạt đến mức tinh xảo.
Đền Angkor Wat xây dựng theo mô hình núi vũ trụ. Xung quanh đền là các hào nước tượng trưng cho biển, đại dương. Trung tâm đền Angkor Vat là các ngọn tháp tượng trưng cho các đỉnh núi Meru. Theo sử thi Ấn Độ, ngọn núi Meru chính là trục vũ trụ, cũng là trục mà các Deva (thần) và Asura (Á thần) dùng để khuấy biển sữa. Rắn thần Naga (Vasuki) chính là thanh khuấy trong truyền thuyết. Tại khu vực trung tâm đền Angkor Vat cũng có nhiều phù điêu nói về truyền thuyết “Khuấy biển sữa”. Kiến trúc tổng thể của khu đền Angkor Vat dường như đang kể về truyền thuyết “Khuấy biển sữa”.
Truyền thuyết kể rằng: Indra thần sấm sét là Ngọc Hoàng cai quản thiên cung. Trong một lần cỡi voi đi chơi, Indra tình cờ gặp một đạo sĩ Durvasa (một trong 7 Rhisi cao tay ấn nhất của Ấn Độ cổ). Durvasa dâng tặng Indra một vòng hoa để tỏ lòng tôn kính. Thần Indra nhận món quà và đặt nó lên đầu con voi. Chiếc vòng kết bằng hoa, lá rừng nên có mùi hắc. Con voi đã ném chiếc vòng hoa xuống đất. Điều này khiến nhà hiền triết nổi giận. Durvasa nguyền rủa thần Indra và tất cả các deva (thần trong thiên giới) sẽ bị mất hết phép thuật và không còn trường sinh bất tử.
Ở trong lòng đất là vương quốc thiên ma của các Asura (Á thần). Các Asura có phép thuật chỉ sau Deva và thường rất hung dữ. Nghe tin các Deva mất hết phép thuật, các Asura nổi dậy tiến đánh thiên cung. Deva hoảng hốt bỏ chạy tìm đến thần Vishnu nhờ giúp đỡ. Vishnu hòa giải khuyên các bên gác bỏ hận thù hợp tác cùng nhau khuấy biển sửa để tìm thuốc trường sinh Amrita. Vì mục đích cuối cùng của các Asura cũng như Deva là muốn trường sinh bất tử. Các bên đồng ý và cùng nhau khuấy biển sữa.
Các Asura và Deva sử dụng ngọn núi Meru làm trục khuấy; sử dụng rắn thần Vasuki làm thanh khuấy. Các Asura nắm phần đấu; các Deva nắm phần đuôi rắn thực hiện quá trình khuấy biển sữa. Qua hàng ngàn năm khuấy biển sữa, ngọn núi Meru bắt đầu chìm xuống. Thần Vishnu hóa thân thành con rùa Kurma làm bệ đỡ ngọn núi để các bên tiếp tục khuấy biển sữa. Trong quá trình khuấy từ lòng biển sữa xuất hiện rất nhiều báu vật. Đáng chú ý là các báu vật: tiên nữ Apsara, nữ thần Lakshmi và cuối cùng là thuốc trường sinh Amrita. Lakshmi là nữ thần của sự thịnh vượng. Lakshmi từ biển sữa hiện lên, thấy nàng vô cùng sinh đẹp, Vishnu vội lấy Lakshmi làm vợ. Cuối cùng, từ biển sữa nổi lên với một chiếc bình chứa thuốc trường sinh Amrita. Các Deva và Asura đánh nhau ác liệt để giành thuốc trường sinh. Để bảo vệ nó khỏi những Asura, chim thần Garuda (vật cỡi của thần Vishnu) cắp lấy chiếc bình bay khỏi nơi giao chiến.
Chúa của Asura là Rahu bay theo và đã giành được lọ nước thần. Rahu bay lên đỉnh núi Meru định uống một mình thuốc trường sinh. Vishnu thấy vậy liền hóa thân thành một nàng tiên nữ vô cùng xinh đẹp tên là Mohini đến chúc mừng Rahu. Rahu bị nhan sắc của nàng tiên nữ mê hoặc, trong lúc say sưa ngắm nhìn mất cảnh giác bị nàng cướp mất lọ thuốc trường sinh, ném xuống chân núi. Các vị thần Deva chia nhau uống sạch.
Có truyền thuyết khác nói rằng khi quỷ vương Rahu vừa uống thuốc trường sinh vào chưa qua khỏi cổ họng thì đầu đã bị chiếc đĩa thần xa luân - Sudarshana của thần Vishnu cắt lìa. Phần trên của quỷ vương Asura này gọi là Rahu, phần dưới gọi là Ketu sau này thành 2 hành tinh gọi là Rahu và Ketu. Tiếng Hán và tiếng Việt gọi là sao La Hầu (Rahu) và Kế Đô (Ketu). Tiếng Khmer nam bộ gọi là Rìa hu (Rahu). Các Deva uống thuốc trường sinh và bất tử như sưa, các Asura đánh không lại phải lui về thiên ma.
Ở Angkor Vat, hình tượng được điêu khắc nhiều nhất là tiên nữa Apsara. Có đến trên 3.000 tượng Apsara được điêu khắc vô cùng tinh xảo, sống động trong các tư thế khác nhau; không tượng nào giống tượng nào. Trải qua hơn 900 năm nhưng các bức tượng Apsara vẫn vô cùng sống động, còn nguyên như mới.
Bên cạnh tượng tiên nữ Apsara, điều khiến người ta kinh ngạc ở Angkor Wat là các bức phù điêu bằng đá dài trên 1,2 km, cao 3m, khắc trên tường 2 hành lang của đền Angkor Wat. Các bức phù điêu được điêu khắc tinh xảo, tỉ mỉ kể về 2 bộ sử thi vĩ đại của Ấn Độ là Ramayana và Mahabharata. Hành lang bên trái kể về sử thi Ramayana với nội dung chính là cuộc chiến của hoàng tử Rama tiêu diệt quỷ vương Ravana để giải cứu công chúa Sita. Hành lang bên phải kể về sử thi Mahabharata với trọng tâm là cuộc chiến Kurukshetra kinh thiên động địa giữa anh em nhà Pandava anh em nhà Kaurava để tranh giành kinh thành Hastinapura thuộc vương quốc Kuru huyền thoại.
Ngoài ra trên tường của đền Angkor Vat còn miêu tả chi tiết trận thủy chiến nổi tiếng giữa Champa với Khmer trên biển hồ Tonle Sap vào năm 1177. Trở lại lịch sử vào năm 1167, ở vương quốc Champa, Jaya Indravarman IV (sử Việt gọi là Chế Chí) lên ngôi vua. Sau khi thiết lập hòa bình với Đại Việt, năm 1177, vua Jaya Indravarman IV đưa quân ngược dòng sông Mekong bất ngờ tấn công thủ đô Khmer. Trận thủy chiến quyết liệt xảy ra trên biển hồ Tonle Sap. Quân Champa đại thắng chiếm thủ đô, giết chết vua Khmer, cướp phá kinh thành Angkor.
Trong thế kỷ XIV, kinh đô Angkor của đế chế Khmer bị người Thái xâm chiếm. Thủ đô đế chế được chuyển dần về phía Nam: Longvek, Oudong rồi Phnom Penh. Đền Angkor Vat bị rừng rậm “nuốt chửng” và lãng quên suốt 5 thế kỷ, từ thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX. Năm 1859, Angkor Wat được phát hiện hết sức tình cờ bỡi nhà sinh vật học, nhà thám hiểm người pháp Henri Mouhot. Trong một lần đi tìm kiếm các loại thực vật quý hiểm ở rừng rậm Campuchia, Henri Mouhot đã tình cờ phát hiện ra ngôi đền Angkor Wat. Ông đã vô cùng kinh ngạc về quy mô của công trình. Mouhot đã giới thiệu cho cả thế giới biết về thành phố thời trung cổ bị lãng quên ở Campuchia. Henri Mouhot viết: “Một trong các ngôi đền, một đối thủ của Solomon, và đã được tạc dựng bởi Michlangelo cổ đại, có thể nó đã nằm ở một vị trí danh dự bên cạnh những tòa nhà đẹp đẽ nhất. Ngôi đền đó lớn hơn bất kỳ tòa nhà nào được nhìn thấy tại Hy Lạp hay La Mã”. Từ đó, cả thế giới biết đến Angkor Wat.
Đền Angkor Wat là một công trình đá phi thường, vượt xa sức tưởng tượng của con người. Dù đã được nghe nhiều về đền Angkor Wat, nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi hoàn toàn bị choáng ngợp trước độ kỳ vỹ của khu đền. Angkor Wat là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với đất nước Chùa Tháp./.