Nói về cơ duyên đến với môn nghệ thuật tranh xé giấy này, ông Thông cho biết: Ông vốn là một thợ may nhưng có chút năng khiếu hội họa. Hơn 40 năm trước, khi vô tình đọc một bài báo nói về việc ghép giấy màu thành tranh ở Nhật Bản, lúc đó máu nghệ sĩ trong Ông nổi lên. Ông nghĩ rằng: người Nhật làm được thì người Việt cũng làm được. Niềm đam mê tranh xé giấy cứ thôi thúc trong Ông từ đó.
Đôi ba lần Ông tạm gác việc may vá để thử làm tranh xé giấy, nhưng chưa thực hiện được vì còn bao bộn bề lo toan.
Cách đây hơn 20 năm, khi các con đã trưởng thành, Ông mới bắt đầu bắt tay vào thực hiện niềm đam mê mà mình đã ấp ủ từ lâu. Ngày ngày Ông lên gác lỡ tại số 31 Lê Lợi một mình xé xé, dán dán, tích lũy kinh nghiệm. Ròng rã 11 năm trời, sau nhiều lần thất bại, ngày 22/12/2007, Ông cho ra đời bức tranh đầu tiên để tặng con trai trưởng của mình là Diệp Bảo Toàn. Bức tranh này được chính người bạn vong niên của Ông là họa sĩ “Vẽ Sống” tự tay ghi tựa đề “Bảo vệ”. Họa sĩ Sống cũng tự phong luôn cho Ông là nghệ nhân. Điều đó cho thấy họa sĩ Sống đánh giá rất cao tài năng của ông Thông.
Tình yêu thương vô bờ trong từng bức tranh
Về bức tranh đầu tiên, Ông kể: suốt mấy mươi năm qua, từ hồi còn trai trẻ với niềm đam mê hội họa, Ông đã cho ra đời rất nhiều tranh sơn dầu, tranh truyền thần…, nhưng đây là tác phẩm tranh xé giấy đầu tiên, nó để lại trong Ông nhiều cảm xúc nhất. Để hoàn thiện bức tranh, Ông đã miệt mài với một đống giấy vụn, lịch cũ trong 28 ngày; tỉ mẩn tìm đủ 2008 góc màu phù hợp để xé dán cho thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Về ý nghĩa của những con số này, Ông cho biết: ngày 28/2/2008 chính là ngày sinh nhật lần thứ 72 của mình và Ông đã chọn những con số này ẩn trong bức tranh làm quà tặng cho người con trai trưởng đúng vào ngày này.
Tác phảm “Bảo vệ” được anh Diệp Bảo Toàn treo trang trọng tại nhà mình. Khung cảnh bức tranh là màn sơn thủy hữu tình trên nền thảo nguyên xanh biếc. Nhân vật chính trong tranh là 2 con hổ, 1 con ngựa non và 1 chú cún con. Thoạt nhìn, chúng tôi không hiểu những nhân vật trong bức tranh này có ăn nhập gì với nhau. Nhưng khi được Ông giới thiệu thì vỡ lẽ ra đây là những con giáp tuổi các thành viên trong gia đình người con trai trưởng. Ông đã sắp đặt một cách khéo léo, tinh tế các con giáp để thành một gia đình hạnh phúc. Dưới góc phải bức tranh có bút ký của người bạn quá cố là họa sĩ Sống (Vẽ Sống).
Bức tranh “Vạn Lý Trường Thành” là một tác phẩm về một trong những kỳ quan thế giới vô cùng hoành tráng, sống động. Thấp thoáng trong lòng bức tường thành hùng vĩ là hình ảnh của 2 ông bà già dắt nhau cùng đi trên Vạn Lý Trường Thành. Hai ông bà già đó chính là ông Thông và người bạn đời của mình. Hai vợ chồng già đã đi cùng nhau trên con đường “vạn lý” của mình từ đó đến nay.
Hiểu được cái nghĩa, cái tình mà Ông đã gửi gắm vào trong các bức tranh, tự dưng chúng tôi cảm thấy bức tranh đẹp một cách lạ lùng. Đẹp ở tình yêu thương vô bờ bến đối với vợ, con, với thiên nhiên, đất nước, con người.
Tại nhà các con ông Thông ở phố núi Pleiku, đâu đâu chúng tôi cũng được thấy những bức tranh của Ông được treo trang trọng tại phòng khách. Các con cháu Ông đều rất tự hào về những bức tranh do cha, ông mình tự tay làm tặng. Từ thời điểm bức tranh "Bảo vệ" ra đời đến nay, ông Thông đã hoàn thành cả trăm bức tranh xé giấy để tặng cho con cháu, bạn bè và những người thân yêu.
Một điều đặc biệt là trong nhiều tác phẩm về quê hương, Ông sáng tác hoàn toàn bằng trí nhớ nhưng chính xác một cách kinh ngạc. Các tác phẩm “Quê Ngoại”, “Gò Găng” … là bức tranh về của quê hương Ông từ thời niên thiếu. Từng đường nét trong tranh có cảm giác như được chụp bằng máy ảnh chứ không phải bằng giấy xé.
Các tác phẩm khác như: Cô Gái Sông Hương, Tình Yêu Tây Nguyên, Gò Găng, …vô cùng sống động, cuốn hút làm người xem không thể rời mắt. Kỳ diệu sao dưới bàn tay khéo léo của Ông lão, những mảnh giấy vụn vô tri bổng trở thành những bức tranh tuyệt đẹp, sống động, hút hồn.
Ông Thông cho biết thời gian để hoàn thành một bức tranh trung bình khoảng nửa tháng. Theo đó, mỗi ngày Ông bỏ ra chừng 2 giờ để làm việc và làm bất kể thời điểm nào trong ngày. Cứ lúc nào có hứng thú thì Ông bắt tay vào làm, khi nào mệt thì ngủ ngay chỗ. Theo Ông làm việc này rất cần sự kiên trì, tỉ mỉ và có chút nghệ sĩ. Nhiều hôm, dán xong thấy chưa ứng ý, Ông lại gỡ ra làm lại cho đến lúc nào thấy ưng ý mới thôi.
Hữu xạ tự nhiên hương
Dù không có mục đích kinh doanh nhưng vẫn có nhiều người tìm đến đặt mua tranh của Ông. Vị khách hàng đầu tiên là bác sĩ Mai Trung Giáo. Ông Thông có tặng cho ông Giáo một bức tranh "Cô gái Huế". Sau đó ông Giáo chia sẻ bức tranh trên lên trang cá nhân. Những người bạn của ông Giáo bên Pháp rất thích thú về bức tranh đặc biệt này. Họ cùng muốn có những bức tranh độc, lạ này. Vì vậy, ông Giáo đã đặt hàng mua 10 bức tranh để tặng cho bạn bè bên Pháp.
Hữu xã tự nhiên hương. Các bức tranh của ông Thông tặng cho con, cháu mang vào thành phố Hồ Chí Minh tình cờ lọt vào mắt của những người kinh doanh tranh chuyên nghiệp ở đất Sài Thành. Họ đánh giá rất cao về những bức tranh xé giấy của Ông. Cuối năm 2023, họ đã cử cả một ekip ra nhà ông Thông để xin chụp ảnh, quay phim, số hóa toàn bộ những bức tranh hiện còn. Họ cũng đã thương lượng để mua bản quyền toàn bộ những bức tranh còn lại để kinh doanh trên nền tảng số NFT, nhưng ông Thông chưa đồng ý.
Cần nói thêm về NFT: NFT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế) là một nội dung số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối – blockchain. Bản thân NFT không phải là một tài sản vật lý, mà là một loại mã hoá để lưu trữ và giao dịch trên thế giới số. NFT là một “dữ liệu” chứa thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu giữ trên blockchain, mỗi “mã” đại diện cho một tài sản. Vậy nên, khi “mua” một bức tranh trên NFT, không có nghĩa là mang một bức tranh về, mà đã “mua” quyền sở hữu của tác phẩm đó trên nền tảng số.
Hiện nay, gia đình ông Diệp Năng Thông đang còn lưu giữ khoảng 20 tác phẩm tranh xé giấy. Một bộ tranh độc nhất vô nhị. Điều đáng tiếc là cho đến nay công chúng ngay tại phố núi Pleiku cũng chưa được biết đến những bức tranh tuyệt đẹp này./.