Tự hào nghề may cờ Tổ quốc thiêng liêng

Từ Vân từ lâu nổi tiếng là làng nghề dệt, may, thêu truyền thống nổi tiếng của Hà Nội. Đây là nơi làm ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc để phục vụ cho các sự kiện, các dịp lễ lớn và trọng đại của dân tộc.
12-1693976040.jpg
Thiêng liêng nghi lễ thượng cờ.

Theo các cụ cao niên trong làng, tháng 8/1945, trước thời khắc lịch sử chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, Ủy ban kháng chiến đã kêu gọi các nghệ nhân trong làng thêu cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa. Ngày 02/09/1945, ở thời khắc Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng là thời điểm hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân tung bay trên Quảng trường Ba Đình. Nghề làm cờ Tổ quốc của làng Từ Vân cũng được ra đời từ đó. Loại vải may cờ tổ quốc là vải sa được chọn mua từ làng La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

07-1693976198.JPG
Tự hào nghề may cờ Tổ quốc.

Ngày nay, tiếp bước nghề thủ công truyền thống của cha ông để lại, làng nghề Từ Vân vẫn tiếp tục duy trì và phát huy nghề may, thêu cờ Tổ quốc. Các công đoạn làm cờ từng bước được tự động hóa, cơ khí hóa để nâng cao năng suất lao động, giảm áp lực cho người thợ, đồng thời cho ra những sản phẩm cờ sắc nét hơn, bền đẹp hơn và có độ chuẩn xác cao.

Trước đây, may cờ chủ yếu được thực hiện thủ công bằng tay tốn rất nhiều thời gian, công sức, cần nhiều người làm và năng suất thấp. Kể từ khi áp dụng máy móc sản xuất, trang thiết bị hiện đại, máy may công nghiệp, lập trình trên máy vi tính, sử dụng máy cắt tia laser tạo mẫu giúp năng suất tăng lên rất cao.

01-1693976247.JPG
Máy móc, thiết bị hiện đại được đưa vào sản xuất.

Nghệ nhân làng nghề Từ Vân hiện nay phát triển đa dạng hóa các loại sản phẩm cờ; tìm tòi, phát triển thêm nhiều mẫu sản phẩm mới như cờ may, cờ thêu, cờ in. Sản phẩm của Từ Vân cũng được mở rộng ra các sản phẩm cổ vũ cho thể thao Việt Nam ở các giải đấu lớn như cờ nhỏ in cầm tay, băng rôn cổ vũ thể thao quấn đầu, cờ lưu niệm, cờ trao giải thưởng, cờ đuôi nheo,...

16-1693976353.JPG
Một gia đình nghệ nhân làm cờ truyền thống ở làng Từ Vân với nhiều thế hệ cùng hăng hái tham gia sản xuất.

Hiện nay, tất cả các sản phẩm cờ được bày bán tại phố Hàng Bông, ở trung tâm Hà Nội đều chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ làng nghề Từ Vân. Cờ của làng Từ Vân được đưa đi khắp mọi miền tổ quốc, từ Cột cờ Lũng Cú đến đất mũi Cà Mau, tung bay rực rỡ trong các ngày lễ lớn, các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế.

Cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển đa dạng các loại ngành nghề mới, nhiều hộ gia đình ở Từ Vân đã chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm khác. Số lượng hộ duy trì nghề may cờ tổ quốc ở làng Từ Vân ngày một ít đi. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người rất đam mê, yêu nghề, say nghề và giữ nghề.

15-1693976290.JPG
Người thợ chuẩn bị sản phẩm để chuyển tới tay khách hàng.

Bởi các nghệ nhân Từ Vân ý thức được rằng, việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người lao động trong làng và các hộ gia đình, mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Những dịp sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, các giải bóng đá, thể thao quốc tế lớn, nhìn lá cờ Việt Nam tung bay hào hùng, rực đỏ khắp mọi miền đất nước, người dân làng nghề Từ Vân lại trào dâng trong mình niềm tự hào, xúc động vì những lá cờ tổ quốc thiêng liêng do chính tay mình góp phần làm nên.

17-1693976431.JPG
Tự hào Việt Nam.

Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Các nghệ nhân làng nghề truyền thống Từ Vân rất chăm chỉ và khéo léo, luôn tỉ mỉ, cẩn thận trong từng đường kim, mũi chỉ để cho ra đời những lá cờ thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của mình. Mỗi gia đình làng Từ Vân là một xưởng thợ, từng thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, chung sức, đảm trách mọi công đoạn để cho ra những sản phẩm chuyển tới mọi nẻo đường Tổ quốc, thắm đẫm tình yêu nước và tự hào dân tộc của những người con Từ Vân qua từng đường kim, mũi chỉ, khẳng định nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Trương Anh Đức