Trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải đem lại giá trị kép cho hạt gạo Việt

Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp" đang được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long với các phương thức: canh tác bền vững, tiết kiệm, an toàn cho môi trường, phù hợp với các chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu để xây dựng thương hiệu hạt gạo chất lượng cao của Việt Nam.
trong-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-1-1718527991.jpg
Trồng lúa giảm phát thải đem lại lợi ích lớn cho người nông dân và từng bước nâng tầm thương hiệu hạt gạo. (Ảnh minh họa)

Trồng lúa giảm phát thải thích ứng với biến đổi khí hậu

Chính phủ đã triển khai đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đến năm 2030. Theo phê duyệt của Chính phủ, đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp" được chia thành 2 giai đoạn thực hiện cho 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Giai đoạn 1 từ 2024-2025, toàn vùng thực hiện 180.000ha, giai đoạn 2 toàn vùng hoàn thiện 820.000ha còn lại với các phương thức: canh tác bền vững, tiết kiệm, an toàn cho môi trường, phù hợp với các chiến lược tăng trưởng xanh, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu để xây dựng thương hiệu hạt gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến thời điểm này, đã có 10 địa phương khởi động thực hiện đề án là Long An 120.000ha, Sóc Trăng 72.000ha, Tiền Giang 29.500ha, An Giang 152.000ha, Đồng Tháp 212.000ha, Trà Vinh 13.900ha và thành phố Cần Thơ 88.000ha, Vĩnh Long 23.000ha, Kiên Giang 200.000ha. Riêng Hậu Giang khởi động giai đoạn 1 với diện tích 28.000ha và chưa dự kiến diện tích giai đoạn 2.

Mới đây, tỉnh Đồng Tháp khởi động với diện tích 50 ha của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, huyện Tháp Mười. Trước đó tỉnh Đồng Tháp cũng đã lựa chọn Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ, huyện Tam Nông để triển khai đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp" trên diện tích hơn 350ha.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, trong năm 2024, nửa giai đoạn 1 của đề án, tỉnh Đồng Tháp thực hiện 28.000ha, sang năm 2025 thực hiện 70.000ha và kết thúc giai đoạn 2 năm 2030 là 162.000ha.

trong-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-4-1718528033.jpg
Khởi động đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh minh họa)

Tương tự, thành phố Cần Thơ cũng đã khởi động với diện tích 50.000ha trong giai đoạn 1. Sang giai đoạn 2 hoàn thành mục tiêu 38.000 ha từ kế thừa và phát huy dự án VnSAT.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ chia sẻ kế thừa và phát huy những thành quả từ dự án VnSAT, cùng với các giải pháp và mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, trình độ sản xuất của người dân được nâng lên, người dân đã áp dụng các biện pháp để giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, hợp tác xã có 512ha sản xuất lúa tham gia đề án, từ 50ha thí điểm áp dụng đầu tiên, nông dân kỳ vọng sẽ thành công.

Từ đó, thành viên hợp tác xã Thuận Tiến sẽ nhân rộng ra 100% diện tích và các địa phương khác cũng sẽ thực hiện để lan tỏa ra khắp các cánh đồng của đề án.

Khi tham gia đề án này, các thành viên của hợp tác xã Thuận Tiến sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ; áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa.

Khi thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu lợi kép từ hạt lúa lẫn môi trường.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết với phương thức canh tác mới, cơ giới hoá toàn bộ cánh đồng, sẽ giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Tất cả diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tưới khô - ướt xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Khi làm được điều này, phía Ngân hàng Thế giới thống nhất mua tín chỉ carbon trong đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với giá khoảng 10 USD/tấn. Thực hiện đúng quy trình canh tác, 1ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, nông dân có thu nhập khoảng 100 USD từ bán tín chỉ carbon.

Gạo chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu

Theo đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp,",song song với phát triển diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao, các địa phương và ngành nông nghiệp Việt Nam cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho những hạt gạo chất lượng cao này. Bởi sản xuất bằng một quy trình chất lượng, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng lẫn sức khoẻ môi trường, hạt gạo xứng đáng được nhiều người biết đến và đón nhận.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ mục tiêu chính của đề án gắn với tổ chức lại sản xuất để nâng cao giá trị sản và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị thì phải được thị trường chấp nhận.

Vì vậy, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kì vọng Viện lúa quốc tế IRRI cũng phối hợp với các nhà khoa học công bố quy trình canh tác lúa bền vững, lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cùng tham gia vào hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp để đưa ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia đề án mong muốn có thương hiệu gạo giảm phát thải để bán ra thị trường quốc tế. Thương hiệu gạo này cũng phải đi kèm tiêu chuẩn gạo giảm phát thải.

Để tạo nên một thương hiệu gạo chất lượng cao, phát thải thấp, trước mắt người nông dân sản xuất trực tiếp sản phẩm lúa gạo chất lượng cao phải có một trình độ sản xuất phù hợp nhất định. Từ đội ngũ sản xuất chất lượng này mới khẳng định được chất lượng sản phẩm hạt gạo chất lượng.

trong-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-3-1718527952.jpg
Mô hình Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai tại xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho biết nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện đề án này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo kỹ thuật canh tác lúa cho 1.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng và khoảng 500.000 nông dân trực tiếp tham gia vào đề án này mỗi năm, từ khi bắt đầu thực hiện đề án cho đến năm 2030.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã tìm kiếm những đối tác có công nghệ tiên tiến giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng lúa, nhưng giảm được phát thải khí nhà kính, đồng thời mời các đối tác có công nghệ đánh giá kiểm soát chất lượng giảm khí thải. Mặt khác, hướng nông dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa.

Với những phương pháp này, các đơn vị có thể giúp nông dân đánh giá tác dụng của sản phẩm về khả năng kích thích phát triển bộ rễ lúa, khả năng quang hợp, giảm chi phí sản xuất lúa, giảm phát thải khí nhà kính. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng phối hợp với các đối tác xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh, sử dụng các sản phẩm vô cơ và sản phẩm sinh học tạo ra các mô hình canh tác lúa đảm bảo năng suất, chất lượng, giảm chi phí vật tư đầu vào.

Bằng việc tăng cường và hỗ trợ năng lực cho nông dân thông qua các lớp đào tạo, huấn luyện, giúp nông dân có thêm nhiều kĩ năng và kiến thức để tuyệt đối tuân thủ quy trình khi tham gia vào câu chuyện thị trường quốc tế, nâng cao thương hiệu nông dân chất lượng, sản xuất ra hạt gạo chất lượng, ông Lê Quốc Thanh cho biết thêm./.

Bình Nguyên