Xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng vọt, kỳ vọng giữ 'phong độ' tạo kỳ tích trong năm 2024

So với nền tăng trưởng cao của năm trước, xuất khẩu (XK) một số mặt hàng 5 tháng đầu năm 2024 đã tăng cao, trong đó, gạo tăng 38,2%; rau quả tăng 28,1%. Gạo và rau quả tiếp tục chiếm vị trí "quán quân" trong nhóm nông sản xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay.
xuat-khau-rau-qua-02-1717647731.jpg
Hải Dương đa dạng các giải pháp tiêu thụ vải thiều. (Ảnh minh họa)

Rau quả tiếp tục lập kỳ tích xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 32.81 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, XK rau quả đạt kim ngạch 2,5 tỉ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay: Trong 5 tháng đầu năm 2024, XK sầu riêng sang Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhóm hàng trái cây vào thị trường này cả về sản lượng lẫn giá trị. Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định, hoạt động XK rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào.

Đặc biệt, Việt Nam đang có thêm cơ hội XK mặt hàng này khi năm nay Thái Lan - quốc gia dẫn đầu về cung ứng sầu riêng - có sản lượng và chất lượng bị sụt giảm do hạn hán. Hơn nữa, năm 2024, Việt Nam được cấp mã vùng trồng tăng gấp đôi so với năm 2023 nên dự báo kim ngạch XK sẽ tăng mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng bóc múi đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và XK sầu riêng quả tươi sang thị trường Ấn Độ.

xuat-khau-rau-qua-03-1717647764.jpg
Bắc Giang: Xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang Đức. (Ảnh minh họa)

Đối với trái vải, tỉnh Bắc Giang là địa phương có vùng trồng lớn, quả vải của địa phương đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại hiệu quả tích cực cho đời sống người dân và tăng thu ngân sách của địa phương.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) cho hay với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các địa phương và hệ thống thương vụ, Bắc Giang cũng đẩy mạnh kết nối các chợ đầu mối, siêu thị lớn để tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tại hai cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) cũng được tháo gỡ thuận lợi, Bắc Giang đang tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa Kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của sang các thị trường quốc tế…

Còn tại Bình Thuận, địa phương có thế mạnh về Thanh Long, toàn tỉnh có diện tích trồng là 27.320 hécta, sản lượng hơn 600.000 tấn quả/năm. Riêng 5 tháng đầu năm đã thu hoạch trên 245.000 tấn, sản phẩm mùa vụ (từ tháng 6-9) khoảng 170.000 tấn

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận thông tin, toàn tỉnh Bình Thuận có 35 hợp tác xã và 1 Liên hiệp hợp tác xã sản xuất thanh long và 240 cơ sở chế biến, đóng gói thanh long, cùng 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Hiện thanh long Bình Thuận đã được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng ý bảo hộ (gồm: Mỹ, Anh Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…)

Hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia, trong đó khu vực châu Á chiếm 75% sản lượng, còn châu Âu chiếm 8%, châu Mỹ chiếm 5% sản lượng. Tuy vậy, xuất khẩu chính ngạch còn ít, thống kê 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xuất khẩu được 1,47 triệu USD, tương đương 875 tấn.

Nâng cao chất lượng nông sản giữ "phong độ" xuất khẩu

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu héc-ta, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Tổng sản lượng quả thu hoạch trong 5 tháng đầu năm 2024 là hơn 4,4 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm ước đạt hơn 13,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so với năm 2023.

Diện tích và sản lượng rau năm 2024 cũng tăng đáng kể khi sản xuất khoảng 1,03 triệu héc-ta, tăng khoảng 30.000 ha so với năm 2023; sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn, cao hơn năm 2023 khoảng 624.000 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 652.800 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn, đây chính là nguồn cung dồi dào phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, tại thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.

xuat-khau-rau-qua-01-1717647796.jpg
Sơ chế dứa phục vụ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). (Ảnh Đức Anh)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.

Cụ thể như tại thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, thị phần hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Trong quý I/2024, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 5,85% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,4%.

Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung chú ý đến xu hướng tiêu dùng mới của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng rau quả, nhất là trái cây để tăng thị phần. Cụ thể, đối với trái sầu riêng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm đã qua chế biến đang gia tăng nhanh chóng do giá sầu riêng tươi cao, ít người có khả năng mua nguyên trái trong khi sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng và phù hợp hơn với thị hiếu giới trẻ.

Ngoài thị trường Trung Quốc, những tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận bước phát triển mới trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều loại sản phẩm tương đồng với Việt Nam.

xuat-khau-rau-qua-04-1717647709.jpg
Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.(Ảnh minh họa)

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan Lê Hữu Phúc cho biết: Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 60 triệu USD, tăng đến 95% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan hiện cao hơn tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào tất cả các quốc gia còn lại trong ASEAN.

4 tháng đầu năm 2024, Thái Lan cũng nhập khẩu số lượng lớn sầu riêng của Việt Nam và trở thành khách hàng lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Theo đó, Thái Lan đã nhập 22,5 triệu USD mặt hàng sầu riêng của Việt Nam, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do năm nay nắng nóng bất thường, sầu riêng Thái Lan mất mùa và chín không đều, khi xuất khẩu hay bị nứt cho nên sản lượng thu mua sầu riêng từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Ngoài thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường mới cũng có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Anh đạt 17,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022. Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rau quả.

Đối với thị trường EU, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Văn Công cho biết: Hằng năm, EU nhập khẩu rau quả khoảng 101,9 tỷ USD, chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu. Trong đó rau 36,4 tỷ USD và trái cây đạt 65,5 tỷ USD. EU nhập khẩu rau quả từ các nước bên ngoài khối khoảng 35 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam là 228 triệu USD trong năm 2023. Đây là dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn./.

Bình Nguyên