Trà Vinh: Năm 2022 chuyển 1.400 ha sang cây trồng hiệu quả cao

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang triển khai kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích nông dân trong tỉnh chuyển đổi khoảng 1.400 ha đất trồng mía, đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác trong năm 2022.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khảo sát về điều kiện đất đai, hệ thống thủy lợi, bờ bao từng vùng ở từng địa phương để khuyến khích, hướng dẫn nông dân bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế và đầu ra thị trường.

Dự kiến năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ nông dân chuyển sang cây hàng năm với diện tích khoảng 760ha; cây lâu năm hơn 400 ha. Số còn lại thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản hoặc chuyên nuôi thuỷ sản.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, điều thuận lợi của tỉnh là qua nhiều năm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nông dân mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất mới cho giá trị kinh tế cao.

Chỉ tính năm 2021, nông dân trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 2.335 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây loại cây trồng con nuôi khác. Đồng thời, nâng tổng số từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 21.820 ha. Hầu hết diện tích đất sau khi chuyển đổi sản xuất đem lại nguồn thu nhập bình quân cho nông dân gấp từ 2 – 3 lần, với mức lợi nhuận từ 90 – 300 triệu đồng/ha/năm.

tra-vinh-200821-1640763938.jpeg
Mô hình trồng gấc của Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành (huyện Cầu Kè) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh tư liệu: Thanh Hòa/TTXVN

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, Trà Cú là địa phương thành công trong việc chuyển đổi đất trồng mía sang các mô hình sản xuất mới. Toàn huyện có gần 5.000 ha đất trồng mía đường, qua 4 năm đã được nông dân địa phương chuyển đổi sản xuất gần 4.000 ha.

Đa số nông dân trong huyện chọn những mô hình sản xuất phù hợp, như: chuyên nuôi cá, trồng rau màu, trồng dừa kết hợp nuôi tôm, trồng cỏ chăn nuôi bò cho thu nhập thấp nhất 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Phạm Minh Truyền, tỉnh đề ra mục tiêu nâng giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt mức bình quân 145 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025 và đạt mức 160 triệu đồng/ha/năm đến năm 2030. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất kém hiệu quả.

Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đã phân bố cụ thể qui hoạch từng vùng sản xuất; danh mục các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và nhu cầu của thị trường,... để từng địa phương triển khai, khuyến khích nông dân tập trung chuyển đổi sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng đang triển khai chính sách theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh dành gần 370 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm các thiết bị, máy móc,… phục vụ áp dụng quy trình sản xuất tạo ra các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tạo lợi thế về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 30.000 tỉ đồng/năm, đóng góp gần 20,9 % vào mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh./.