Ông Võ Minh Cầm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2022 sẽ tập trung thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho sản phẩm công nghiệp nông thôn nâng cao về chất lượng, mạnh về sức cạnh tranh và rộng về thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 11 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất; tổ chức 2 chuyến học tập kinh nghiệm, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Khuyến công của tỉnh tổ chức 3 lớp truyền nghề cho lao động tại các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan đát và 02 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh sẽ tổ chức “ Hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022”; 5 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Các cơ sở, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tham gia 9 kỳ hội chợ trong nước để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh; tham gia 10 cuộc kết nối cung cầu hàng hoá. Hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp thực hiện 3 cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh sẽ tổ chức hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp được tham gia 2 cuộc giao dịch thương mại vào thị trường ASEAN để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước.
Ông Võ Minh Cầm cho biết, năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 7 đề án về thiết bị, công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, như: đưa các sản phẩm của Công ty TNHH Trà Vinh Farm, Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, tham gia trưng bày sản phẩm tại thành phố Cần Thơ để quảng bá, giới thiệu đến với người tiêu dùng. Thông qua sàn thương mại điện tử, tỉnh hỗ trợ cho 70 doanh nghiệp đăng giới thiệu 364 loại sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử, như: Sendo, Tiki, Voso, Postmart,
Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm Hằng, ở khóm I, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè cho biết, sau khi cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mứt dừa sáp, với số tiền 36 triệu đồng (cơ sở đối ứng 49 triệu đồng) đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm và ổn định sản xuất. Bình quân, mỗi năm cơ sở cung ứng khoảng hơn 2 tấn mứt dừa sáp và kẹo dừa sáp.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đánh giá, hầu hết cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến. Ngoài ra, cơ sở, doanh nghiệp còn hạn chế trong việc quảng bá thương hiệu, thiết kế bao bì, xúc tiến thương mại nên sản phẩm chưa vươn xa ra được thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, trong năm 2022, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thuận lợi nhất cho các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đủ sức cạnh tranh, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả./.