Trà Vinh đưa cán bộ kỹ thuật trực tiếp hỗ trợ nông dân sản xuất

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang tổ chức thực hiện việc đưa công chức, viên chức kỹ thuật trực thuộc đơn vị xuống huyện, thị xã để kết hợp cùng phòng nghiệp vụ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình, phương cách sản xuất an toàn, hiệu quả.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay, các cán bộ kỹ thuật được tăng cường về cơ sở đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho hơn 10.800 lượt hộ nông dân về biện pháp canh tác, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương đang tập trung thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nhất là khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất trên đất trồng mía, trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp. Vì vậy, việc tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở hỗ trợ nông dân là rất cần thiết, giúp nông dân tổ chức sản xuất an toàn, đạt hiệu quả kinh tế.

vna-potal-tra-vinh-ho-tro-nong-dan-chuyen-doi-co-cau-san-xuat-stand-1638933032.jpg
Xã viên HTX nông nghiệp Dân Tiến, huyện Cầu Kè thu hoạch cá trê theo mô hình kết hợp nuôi thủy sản trong ruộng lúa từ tháng 4/2021. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Hầu hết nông dân được cán bộ kỹ thuật tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống hạn mặn trên diện tích đất trồng mía, trồng lúa được chuyển đổi sang cây trồng khác; kỹ thuật canh tác lúa thông minh, kỹ thuật ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ sản xuất lúa: kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, các biện pháp phòng, trị bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; biện pháp cải tạo và xử lý ao nuôi, chọn giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, biện pháp phòng, chống hạn, mặn trong ao nuôi cá lóc…

Các cán bộ kỹ thuật còn nhiệm vụ cùng với địa phương thực hiện trình diễn những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra sản xuất phẩm sạch như: trồng bưởi, dừa hữu cơ; trồng rau màu trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới, bón phân tự động; nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao ứng dụng semi biofloc 3 giai đoạn; nuôi tôm cành xanh toàn đực 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường…

Đây là những mô hình sản xuất cho lợi thế về đầu ra sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao từ 2 - 5 lần so với phương thức sản xuất thông thường./.