Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ chức hợp tác (gọi tắt là hộ sản xuất nông nghiệp) tham gia giao dịch, trao đổi, mua, bán nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra trên các sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn, travinhtrade.vn; hỗ trợ các thủ tục phát triển người mua thông qua sàn thương mại điện tử, định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, dùng công nghệ số để kết nối người bán và người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, việc lên sàn thương mại giúp nông dân có thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Qua đó, thúc đẩy tiêu thụ nhanh khi cao điểm vụ thu hoạch nông sản, giảm thiểu tình trạng ùn ứ nông sản cho nông dân.
Tỉnh ưu tiên hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng, số lượng lớn, có sản phẩm OCOP, được chứng nhận an toàn thực phẩm. Tỉnh sẽ đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cho khoảng 70% số hộ này. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận cho khoảng 60% số hộ.
Hiện nay, việc thay đổi phương thức tiếp cận thị trường để thích nghi với hoàn cảnh là việc làm cần thiết; trong đó, thương mại điện tử là một hướng chuyển đổi phù hợp.
Trước đó, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) đã phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ 85 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đưa trên 360 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, Sendo,...Trong số này, các sản phẩm đa phần là đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Trà Vinh./.