Doanh nghiệp nỗ lực tiếp cận nguồn tài chính xanh và lộ trình phát triển thị trường vốn xanh

Mặc dù tài chính xanh đã được triển khai ở Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít…). Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp để tiếp cận nguồn tài chính xanh và sự hỗ trợ của Chính phủ về các cơ chế, chính sách.
tai-chinh-xanh-1-1732364731.jpg
Tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Cần kế hoạch hành động nhanh với quyết tâm cao trong chuyển đổi xanh

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong 5 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước tới 3,5% vào năm 2050. Do đó, Việt Nam cần phải có kế hoạch hành động nhanh với quyết tâm cao để có thể tiếp cận thành công và phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm cải thiện các thách thức này.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công.

Đặc biệt, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.

tai-chinh-xanh-3-1732364721.jpg
Mặc dù tài chính xanh đã được triển khai ở Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn.(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, các nhà đầu tư toàn cầu nói chung cũng ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các tài sản có tác động tích cực đến môi trường, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tự nguyện và bắt buộc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Tài chính xanh là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Do đó, tài chính xanh là cấu phần quan trọng để thu hút đầu tư, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Mặc dù tài chính xanh đã được triển khai ở Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít…). Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp để tiếp cận nguồn tài chính xanh và sự hỗ trợ của Chính phủ về các cơ chế, chính sách.

Cần thiết và cấp bách phải có các cơ chế tài chính đổi mới hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh

Tại Việt Nam, xu hướng xanh hóa đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang nghiên cứu nhiều chính sách để khuyến khích quá trình chuyển đổi xanh. Tuy vậy, ước tính chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh tại Việt Nam.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết và cấp bách phải có các cơ chế tài chính đổi mới và hợp tác công - tư để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và Việt Nam tiếp tục đặt ưu tiên cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Trong đó, hai cơ chế có thể áp dụng ở Việt Nam để tăng cường nguồn vốn cho đầu tư xanh là tín dụng và thị trường vốn.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, các ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính mà còn phải xem xét tác động môi trường.

“Ở những nơi như Việt Nam tài chính xanh còn ở giai đoạn sơ khai, có thể mỗi người hiểu về tài chính xanh theo cách khác nhau. Các tổ chức tín dụng có thể tham khảo các chuẩn mực ASEAN đưa ra, từ đó xây dựng hệ thống dễ thực hiện với chi phí thấp để có thể thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả hơn. Việc lượng hoá các tác động sẽ giúp việc đánh giá hiệu quả của công tác tài chính xanh tốt hơn, góp phần nâng cao khả năng đóng góp vào những nỗ lực chung về phát triển xanh, như phát thải ròng bằng 0”, ông Hùng lưu ý.

tai-chinh-xanh-2-1732364800.jpg
Các ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính mà còn phải xem xét tác động môi trường.(Ảnh minh họa)

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Nhìn chung, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới. Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững./.

Trọng Bình