TP.HCM quy hoạch nông nghiệp đô thị, sẽ không còn những vùng rau trong nội đô

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết: Đến năm 2030, toàn bộ diện tích canh tác rau an toàn trong các quận trung tâm buộc phải di dời ra ngoại thành hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với quy hoạch của TP.HCM.
rau-xanh-trong-thanh-pho-04-1715931828.jpg
Hiện TP.HCM có nhiều vùng chuyên canh rau như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức với tổng diện tích hơn 6.000 ha, sản lượng khoảng 219.400 tấn/năm. (Ảnh minh họa)

Những vườn rau xanh trong thành phố

Mỗi ngày, người dân TP.HCM tiêu thụ khoảng 4.200 tấn rau củ quả. Trong số này, gần 30% là nguồn cung cấp tại chỗ, phần lớn còn lại phải nhập từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Hiện TP.HCM có nhiều vùng chuyên canh rau như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức với tổng diện tích hơn 6.000 ha, sản lượng khoảng 219.400 tấn/năm.

Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ hơn chục năm qua, ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (HTX Phước An) ở H.Bình Chánh (TP.HCM), cho biết: Thời gian gần đây, việc tiêu thụ các sản phẩm rau của HTX ở kênh siêu thị gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu. Sản phẩm của HTX ngoài đạt tiêu chuẩn an toàn còn tốn thêm nhiều công đoạn sơ chế, bao gói nên giá thành tương đối cao so với rau thường.

Trong khi đó, có siêu thị một ngày chỉ còn nhập vài chục ký rau. Để giải quyết đầu ra, HTX phải chuyển hướng sang các kênh trường học và bếp ăn tập thể để lấy số lượng.

"Hiện tại, nghề trồng rau hết sức bấp bênh khi doanh thu mỗi năm chỉ từ 400 - 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận còn lại chỉ 50% số này. Bà con ít đất nên sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập rất thấp. Trước đây, có nhà đầu tư muốn vào phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhưng cuối cùng rút đi vì vướng chính sách.

Theo quy định, đất sản xuất nông nghiệp không cho phép xây dựng kể cả nhà kho, nhà xưởng… thậm chí chòi để giữ đất. Đây là một trong những vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các vùng chuyên canh, chính sách hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng kèm theo để người dân yên tâm sản xuất", ông Thích kiến nghị.

rau-xanh-trong-thanh-pho-01-1715931813.jpg
Nghề trồng rau ở TP.HCM thường xuyên đối mặt với khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định. (Ảnh minh họa)

HTX Phước An sản xuất theo hình thức canh tác trên đất truyền thống còn HTX Tuấn Ngọc ở P.Long Trường (TP.Thủ Đức, TP.HCM) trồng rau bằng công nghệ cao, hoàn toàn bằng thủy canh nhưng cũng gặp khó khăn tương tự.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc, chia sẻ: Việc kinh doanh của HTX đang rất thuận lợi. Bình quân 1 ha mỗi tháng tạo ra doanh thu lên đến 200 triệu đồng, tính ra doanh thu mỗi năm đến 1,4 tỉ đồng. Đối với thị trường TP.HCM, HTX đang có đơn hàng với nhiều kênh phân phối, đáng chú ý là hợp đồng 30 tấn/tháng đối với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh.

"Bên cạnh đó, chúng tôi đang đi đến giai đoạn cuối của thỏa thuận xuất khẩu rau sang Hàn Quốc với sản lượng đến 10 tấn/tháng. Nếu "chốt giá" thành công, hoạt động kinh doanh của HTX sẽ phát triển rất thuận lợi. Tuy nhiên, khâu sản xuất thì gặp không ít khó khăn. Chúng tôi sản xuất 100% rau thủy canh, sử dụng công nghệ cao và cần phải có hệ thống nhà màng.

Bắt buộc phải xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, bảo quản… Tuy nhiên, việc xây dựng lại bị vướng quy định về "cấm xây dựng trên đất nông nghiệp". Có thể, sắp tới chúng tôi phải chuyển cơ sở sản xuất về các địa phương khác", ông Tuấn nói.

Hiện diện tích canh tác rau TP.HCM còn khoảng 3.500 ha, tương ứng với diện tích gieo trồng đạt 21.750 ha, sản lượng đạt 627.000 tấn, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, TP. Thủ Đức và Quận 12.

Sẽ giảm dần diện tích trồng rau nhưng nâng cao chất lượng

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.

Theo đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM đưa ra lộ trình dịch chuyển đối với các vùng canh tác rau để hiện thực hóa đề án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Theo đó 16 quận nội thành gồm: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11,12, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh, đến năm 2025 chỉ còn 1.950 ha đất nông nghiệp nằm phân tán, xen cài với các công trình, dự án và khu dân cư đô thị; đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

rau-xanh-trong-thanh-pho-02-1715931918.jpg
TP.HCM đưa ra lộ trình dịch chuyển đối với các vùng canh tác rau để hiện thực hóa đề án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, tập trung. (Ảnh minh họa)

Cùng với những định hướng phát triển, TP cũng khuyến khích các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân.

Riêng TP Thủ Đức, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 3.400 ha, phân bố dọc theo sông Sài Gòn và các rạch thuộc phường Tam Đa, Long Phước; đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

Theo bà Lê Thị Nghiêm - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, Thủ Đức được định hướng phát triển khoa học công nghệ với hạt nhân là đô thị Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao. Với đặc thù như vậy nên phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị không gian hẹp, tầng cao, các dải cây xanh phân cách, phân tán.

Các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu phải chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cụ thể như mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Nông sản Hitech… là những đối tượng phải thay đổi hoạt động để tồn tại, phù hợp với quy hoạch.

rau-xanh-trong-thanh-pho-03-1715931950.jpg
TP.HCM sẽ không còn vườn chuyên canh rau trong nội đô từ năm 2030.(Ảnh minh họa)

Bà Lê Thị Nghiêm cho biết: “Các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu là nguồn đất dự trữ, dư địa cho phát triển đô thị các năm tới. Do đó, hướng chính là phát triển các vườn trồng rau, hoa kiểng để tạo cảnh quan. Khu vực không còn đất nông nghiệp sẽ khuyến khích người dân tận dụng khoảng không gian còn trống như giếng trời, sân thượng, hành lang... để trồng rau, hoa kiểng theo mô hình nông nghiệp cao tầng, thẳng đứng, khí canh, thủy canh, tuần hoàn”.

Mục tiêu đề án phát triển những vùng sản xuất rau an toàn, tập trung ở ngoại thành thuộc các huyện: Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn; giai đoạn từ nay đến năm 2025, diện tích canh tác rau hữu cơ, công nghệ cao còn khoảng 3.000 ha, đảm bảo sản lượng  446.000 tấn; đến năm 2030 diện tích canh tác rau chỉ còn 2.500 ha với sản lượng 387.000 tấn./.

Bình Nguyên