Hải Dương giám sát chất lượng vùng rau an toàn, mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo Kế hoạch xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và quảng bá, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm rau, trái cây năm 2021, tỉnh Hải Dương triển khai 580 ha rau xuất khẩu gồm các loại: cà rốt, cải bắp, súp lơ, su hào, mùi tàu, ngưu bàng, dưa, rau ăn lá các loại…
hai-duong-vung-rau-an-toan-1635670610.jpeg
Hải Dương giám sát chất lượng vùng rau an toàn, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh minh hoạ.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã lựa chọn 26 tổ sản xuất, tổ hợp tác, trang trại tham gia triển khai kế hoạch, tập trung chủ yếu tại huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng và Nam Sách. 

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã họp với các doanh nghiệp để xác định nhu cầu của doanh nghiệp, xác định thị trường mục tiêu, từ đó lựa chọn vùng sản xuất. Việc kết nối với các doanh nghiệp cũng sẽ được triển khai thường xuyên, tích cực.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, đến nay cơ quan chuyên môn đã tổ chức được 1 cuộc hội nghị kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu rau; 15 cuộc tập huấn cho khoảng 500 lượt cán bộ cơ sở, nông dân, đại lý cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Thời gian qua, các hợp tác xã thuộc diện được hỗ trợ tham gia chương trình rất quyết tâm. Thời điểm cuối tháng 10 này, cánh đồng bắp cải tại xã Thăng Long của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát đang tươi tốt, ước chừng khoảng 1 tháng rưỡi nữa sẽ cho thu hoạch. Năm nay, hợp tác xã này có 10 ha trong tổng số 50 ha sản xuất để xuất khẩu theo chương trình của tỉnh triển khai.

Ông Hồ Việt Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cho biết, tham gia kế hoạch sản xuất rau theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, hợp tác xã được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Hợp tác xã sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình VietGAP để sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Tương tự, tại xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, năm nay hợp tác xã cũng đăng ký 27 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu với hơn 100 hộ nông dân tham gia. Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lê Lợi, đến nay, hợp tác xã đã phối hợp với Hội Nông dân xã hướng dẫn nông dân từ khâu làm đất, chọn cây giống và xử lý cây giống, chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhật ký sản xuất để đảm bảo cây rau phát triển tốt, đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

Ông Hoạt hy vọng khi tham gia chương trình này, năng suất và chất lượng rau của hợp tác xã nâng lên tầm cao mới và có đầu ra ổn định hơn, từ đó nông dân yên tâm theo chương trình VietGAP.

Để giám sát tốt chất lượng rau xuất khẩu, bên cạnh hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân,  ngành nông nghiệp Hải Dương cũng tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Bà Lương Thị Kiểm cho biết, đơn vị sẽ giám sát hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào để đảm bảo đội ngũ này sẽ tư vấn đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Tránh trường hợp họ tư vấn sai, ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu.

Trong quá trình sản xuất, Sở cũng sẽ lấy mẫu để đánh giá, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm của các mẫu rau ở vùng xuất khẩu để đảm bảo 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đều dưới ngưỡng cho phép, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Hiện đơn vị tư vấn đánh giá, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đã hoàn thành tư vấn theo kế hoạch lần 1 và đang tiếp tục thực hiện tư vấn đợt 2.

Thị trường xuất khẩu của rau Hải Dương khá phong phú. Riêng các loại cải bắp, cà rốt, súp lơ đã được xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông, Trung Quốc…. Năm 2021, Hải Dương hướng tới mở rộng thị trường khó tính, làm tiền đề mở rộng diện tích rau xuất khẩu cho những năm tiếp theo./.