Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết điều này tại cuộc họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư, diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại hai đầu cầu Ban Kinh tế Trung ương và Trung tâm Báo chí TPHCM.
Theo đó, TPHCM là địa phương đăng cai tổ chức Diễn đàn vào ngày 5/6 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".
"Đây là vinh dự lớn của TPHCM và Thành phố có trách nhiệm trong việc phối hợp với các ban, bộ, ngành để tổ chức thành công Diễn đàn", ông Võ Văn Hoan cho hay.
Diễn đàn được tổ chức ở Thành phố là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, người dân Thành phố, các cán bộ, công chức, quản lý Nhà nước tiếp cận những tư tưởng, quan điểm, những suy nghĩ, cách làm rất mới trong điều kiện Thành phố vừa trải qua đại dịch với nhiều biến động trong xác hội và đặc biệt là đối diện với biến động địa chính trị.
Đây cũng là dịp để khẳng định TPHCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước. Kinh tế Thành phố đã từng bước hồi phục và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bứt phá thành công. Việc tổ chức Diễn đàn cũng góp phần nâng cao vị thế về công tác đối thoại, nhất là đối thoại về kinh tế của Thành phố, với các tổ chức quốc tế, các địa phương có quan hệ hợp tác kinh tế.
Tại họp báo, ông Võ Văn Hoan cũng thông tin về những vấn đề mà Thành phố tham gia trong nội dung Diễn đàn. Diễn đàn có một chủ đề là phát triển kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập kinh tế, điều này đã được khẳng định trong các Nghị quyết của đảng, trong điều kiện đại dịch, đặc biệt là trong tình hình địa chính trị có biến động hiện nay. Rõ ràng, kinh tế độc lập tự chủ không thể một mình tồn tại được, phải gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng hội nhập kinh tế quốc tế cũng phải để phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, đây là hai mặt của một quá trình, có quan hệ mật thiết với nhau.
"Nếu chúng ta nghiêng về kinh tế mà không quan tâm đến thị trường nội địa, không tạo ra những nguồn lực thì trong các điều kiện biến động, chúng ta rất khó vượt qua", ông Hoan cho hay.
Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập: TPHCM đi đầu
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, sau khi kết thúc đại dịch, TPHCM đã ngay lập tức triển khai Kế hoạch hồi phục kinh tế giai đoạn 2022-2025 và trong đó xác định 2 giai đoạn: Năm 2022 là giai đoạn hồi phục kinh tế, gượng dậy để đi tiếp và giai đoạn 2023-2025 là giai đoạn tăng tốc và phát triển kinh tế Thành phố.
Đến giờ này, có thể ghi nhận nền kinh tế Thành phố hồi phục rất nhanh. Cuối năm ngoái, GRDP là âm 6,78%, đến quý I/2022 là 1,88% và theo tổng kết đánh giá dự kiến 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 2,5-3% và đến cuối năm, Thành phố có thể đạt con số 6-7%.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, TPHCM là một trong những trung tâm lớn của cả nước, hiện là trung tâm về tài chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ, KHCN; đóng góp trên 20% vào GDP cả nước và trên 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Trong quá trình phát triển, Thành phố tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng ngành dịch vụ và công nghiệp với tỉ trọng ngày càng cao. Lĩnh vực dịch vụ của Thành phố chiếm tỉ trọng 62% trong GRDP của Thành phố. Đó cũng là hoạt động mà các doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần lớn nhất.
Còn trong hoạt động về thu hút đầu tư nước ngoài, Thành phố có sự chọn lọc rất mạnh mẽ, chấp nhận vốn thu hút đầu tư nước ngoài có giảm so với trước đây để chủ yếu thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng về khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động trong nước và giảm thâm dụng tài nguyên, ưu tiên cho phát triển KHCN và công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, có sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước. "Chính hoạt động đó thể hiện được vai trò đảm bảo kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước", ông Ngân khẳng định.
Đối với Việt Nam, theo vị chuyên gia kinh tế này, trong thời gian vừa qua, nước ta có độ mở kinh tế lớn, tỉ trọng xuất nhập khẩu tính trên GDP lên tới 1,8%, phần lớn là xuất khẩu, có được từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; họ chủ yếu nhập nguyên vật liệu và chúng ta gia công nên giá trị gia công không cao.
Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, làm chủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia rất nhiều hiệp định FDI với nước ngoài. Chúng ta phải tận dụng các lợi thế của các hiệp định này để đưa hàng hóa Việt Nam đi ra thị trường quốc tế, đồng thời phải chú ý đến thị trường trong nước-thị trường 100 triệu dân. Việc sản xuất hàng hóa cần đáp ứng nhu cầu trong nước, tránh chỉ xuất khẩu ra nước ngoài để đảm bảo nền kinh tế độc lập, tự chủ.
"Nền kinh tế độc lập tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, mà hội nhập kinh tế trên cơ sở tôn trọng, quan tâm đến an ninh quốc phòng, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước. Sản phẩm sản xuất ra được phải đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu", ông Ngân cho hay.
Ngày 5/6, tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ, UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".
Dự kiến, khoảng 1.000 lượt đại biểu tham dự Diễn đàn, bao gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; một số đại sứ quán, lãnh sự quán và tổ chức quốc tế; các diễn giả, nhà khoa học uy tín và các doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ có 01 Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao và 03 hội thảo chuyên đề.