TP. Hồ Chí Minh: Nhà máy giết mổ gia súc quy mô lớn An Hạ chính thức vận hành từ ngày 01/4

Với tâm huyết cung cấp sản phẩm thịt sạch cho người dân TP. Hồ Chí Minh, gần 2 năm qua, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã dốc toàn lực để hoàn thành xây dựng nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm.

Thực hiện Quyết định số 231/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 31/3/2023, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư sẽ chuyển vào trong các nhà máy giết mổ công nghiệp. Đây là một chủ trương đúng đắn của Thành phố để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đô thị.

Trong buổi họp báo ngày 28/3/2023, ông Lê Văn Thành - Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Công ty sẽ chính thức đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh kể từ ngày 01/4/2023. Trước đó, từ ngày 16/3 công ty đã vận hành thử nghiệm với công suất 200 con heo/ngày và nâng dần lên. Đến cuối tháng 3 sẽ tiếp tục nhận toàn bộ lượng heo từ cơ sở Xuyên Á và một lượng heo từ những cơ sở thủ công nhỏ lẻ khác chuyển về khi các cơ sở này phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của Thành phố”.

1-1680042671.jpg
Ông Lê Văn Thành - Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thông tin việc đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gia súc An Hạ.

Hiện nay, nhà máy đã hoàn thành lắp đặt 6 dây chuyền giết mổ theo đúng quy trình công nghệ và được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP. Hồ Chí Minh thẩm định. Những dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ Brazil, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình giết mổ được quản lý theo tiêu chuẩn HACCP. Các công đoạn sản xuất được vận hành bằng cơ giới hóa và có tính tự động cao, đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Có hệ thống thông tin quản lý toàn diện, thuận tiện cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổng vốn đầu tư xây dựng tính đến thời điểm hiện tại hơn 700 tỷ đồng. Giai đoạn đầu đưa vào vận hành, nhà máy hoạt động với công suất giết mổ hơn 3.200 con heo/ngày đêm, sau đó sẽ tăng công suất lên theo nhu cầu của thị trường.

2-1680042728.jpg
Các công đoạn giết mổ heo được vận hành bằng cơ giới hóa, có tính tự động cao, đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.

“Sau khi TP. Hồ Chí Minh có quyết định dừng các cơ sở giết mổ thủ công từ ngày 31/3, đã xuất hiện tình trạng các thương lái di chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ. Điều này sẽ dẫn tới một nghịch lý là trong khi TP. Hồ Chí Minh ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thú công trong Thành phố, đồng nghĩa với việc Thành phố ngừng thực hiện việc kiểm soát giết mổ thủ công, thì các sản phẩm thịt được giết mổ từ các lò thủ công ở các tỉnh lân cận lại vẫn được vận chuyến ngược về Thành phố đế cung cấp cho người dân tiêu thụ nguồn thịt này. Đây là hai việc hoàn toàn trái ngược nhau, vô cùng mâu thuẫn dẫn đến bức xúc cho các cơ sở và các nhà máy công nghiệp giết mổ gia súc trên địa bàn Thành phố”, ông Lê Văn Thành cho biết.

3-1680042766.jpg
Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp của An Hạ hoạt động sẽ cung cấp thịt sạch cho người dân TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có tổ công tác hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các nhà máy giết mổ công nghiệp. Tổ công tác này sẽ hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ thực hiện các thủ tục. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các địa phương làm việc với các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn Thành phố, từ đó báo cáo, đề xuất UBND Thành phố có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án, nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo trong năm 2023 các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt từ 80 - 100% công suất theo thiết kế./.

Đạm Quang Lê