Quảng cáo #128

Khơi dậy tình yêu với nghề muối và góp phần nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam

Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025 mong muốn khơi dậy tình yêu với nghề muối. Đồng thời, thay đổi nhận thức với nghề muối, làm muối để làm giàu, muối không chỉ tiêu dùng đơn giản mà cần đa dạng sản phẩm theo vùng miền và phương thức sản xuất...

Nội dung trên được chia sẻ tại buổi họp báo Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025. Chuỗi sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/3/2025, tại Bạc Liêu, địa phương được xem là “thủ phủ muối" của Việt Nam.

festival-nghe-muoi-viet-nam-1-1734338176.jpg
Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo thông tin về chuỗi sự kiện dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6-8/3/2025.

Festival nghề muối khơi dậy Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người

Muối Việt Nam có tiềm năng lớn với 3.200km bờ biển; diện tích sản xuất 11.000ha, cung cấp nhu cầu ăn, chế biến thực phẩm; công nghiệp; y tế và làm đẹp. Bạc Liêu - “thủ phủ muối” Việt Nam, với sản lượng lớn nhất nước, không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa cho Bạc Liêu.

Các lễ hội muối, những câu chuyện và kinh nghiệm truyền đời về nghề làm muối đều phản ánh sâu sắc tinh thần và bản sắc của vùng đất này. Ngoài ra, muối Bạc Liêu còn được biết đến với chất lượng cao, trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Là nghề truyền thống của Việt Nam, nhưng hạt muối đang đối diện với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến sự cạnh tranh của các ngành nghề khác. Thực tế đó đã tạo động lực để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025; nội dung trọng tâm là “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”.

festival-nghe-muoi-viet-nam-3-1734338163.jpg
Bạc Liêu - “thủ phủ muối” Việt Nam, với sản lượng lớn nhất nước, không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa. (Ảnh minh họa)

Tại buổi họp báo Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, khẳng định: Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến nghề làm muối. Ngành muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng.

Muối ở Việt Nam gắn với văn hóa, quan niệm may mắn: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối ở mỗi vùng sẽ có những đặc điểm khác nhau, thể hiện sự đa dạng vùng miền, sản phẩm (với những phương pháp độc đáo như: muối phơi cát, muối phơi nước).

Tuy nhiên, sản lượng muối hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mặc dù sản lượng muối đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng con số này vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường.

Nghề muối ở nhiều khu vực vẫn còn gắn liền với sự khó khăn, nghèo đói, khi mà người nông dân làm muối chủ yếu sống dựa vào công việc thủ công, thu nhập thấp và không ổn định.

festival-nghe-muoi-viet-nam-2-1734338437.jpg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi họp báo Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025.

Festival được kỳ vọng sẽ “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”

Ông Thịnh cho biết, muốn phát triển nghề muối bền vững cần có chiến lược đúng đắn, khai thác tiềm năng từ các sản phẩm muối đa dạng và tích hợp đa giá trị. Để gia tăng giá trị kinh tế, cần cải tiến chất lượng muối, mẫu mã, thương hiệu cũng như áp dụng du lich sinh thái gắn với làng nghề muối.

“Tổ chức Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025 phải được chuẩn bị chu đáo nhằm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về tầm quan trọng, tiềm năng và triển vọng của hạt muối Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng tầm giá trị hạt muối.

Không để lễ hội rơi vào tình trạng của một hội chợ thông thường, nội dung lễ hội cần hướng tới việc viết lại câu chuyện về muối Bạc Liêu, muối Việt Nam, tạo nên tình cảm yêu thương, trân quý về nghề muối, diêm dân và những sản phẩm từ muối”, ông Thịnh nhấn mạnh.

festival-nghe-muoi-viet-nam-4-1734338479.jpg
Muốn giữ nghề làm muối rất cần những chính sách, giải pháp, hỗ trợ đầu tư vốn nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối.(Ảnh minh họa)

Thông qua chuỗi sự kiện của Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025, ông Thịnh mong các cấp chính quyền và người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, tiềm năng và triển vọng của hạt muối Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng tầm giá trị hạt muối.

"Đây là festival đầu tiên về nghề muối. Chúng tôi chọn Bạc Liêu để tổ chức festival vì đây là địa phương đứng thứ hai cả nước về diện tích muối. Nghề làm muối Bạc Liêu được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Festival mong muốn khơi dậy tình yêu với nghề muối. Đồng thời, thay đổi nhận thức với nghề muối, làm muối để làm giàu, muối không chỉ tiêu dùng đơn giản mà cần đa dạng sản phẩm theo vùng miền và phương thức sản xuất", ông Lê Đức Thịnh nói thêm.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Festival dự kiến sẽ có các hoạt động chính như: Lễ Khai mạc và Bế mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025; khoảng 100 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm muối, các sản phẩm OCOP, sản phẩm muối kết hợp du lịch, hợp tác xã sản xuất, chế biến muối và các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến; các hội nghị, hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư...

Festival được kỳ vọng sẽ “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn qua việc tôn vinh những giá trị văn hóa, nét đẹp của con người Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thu hút đầu tư để phát triển bền vững nghề muối./.

Bình Nguyên