Không có nước ngọt bổ sung thường xuyên đối mặt với hạn mặn
Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km có lợi thế về kinh tế biển nhưng cũng đối mặt với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Cà Mau có 2 hệ sinh thái chính là mặn và ngọt, vùng ngọt nằm ở phía Bắc tỉnh Cà Mau với 208.000 ha, trong đó giữ ngọt hoàn toàn 90.000 ha (gồm đất chuyên lúa và khu vực rừng tràm).
Tuy nhiên, Cà Mau là tỉnh có nhiều khó khăn nhất trong các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Kông. Từ đó, việc cấp nước cho sản xuất, phục vụ phòng chống cháy rừng cho vùng Bắc Cà Mau và sinh hoạt cho cả tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các năm ảnh hưởng nặng nề do El Nino như năm 2015 - 2016, 2019 - 2020, 2023 - 2024.
Theo phân vùng phát triển, vùng Bắc Cà Mau được chia thành 6 tiểu vùng (bao gồm vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp) trong đó tiểu vùng II, III là canh tác nước ngọt; các tiểu vùng còn lại đa phần canh tác ngọt - lợ (mô hình lúa - tôm), đan xen một số diện tích canh tác lợ.
Đối với Tiểu vùng II, III - Bắc Cà Mau: Có 120km đê, 69 cống xây dựng cơ bản, 4 trạm bơm và 1.648km kênh các cấp đang đưa vào quản lý khai thác sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng khác trong vùng.
Trong đợt hạn mặn vừa qua, mực nước trên các hệ thống kênh mương trong các tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp. Cụ thể, hệ thống kênh trục và kênh cấp I chỉ còn từ 0,2 - 1,6m, trong đó có một số kênh hoặc đoạn kênh đã khô cạn; kênh cấp II, cấp III hầu hết đã khô cạn.
Do không có nguồn nước ngọt bổ sung nên với tình trạng hạn hán kéo dài, vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt một số nơi người dân gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Nước trên các sông rạch khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và mất phản áp lực nước lên bờ kênh, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chênh lệch biên độ triều giữa trong và ngoài vùng ngọt lớn có nguy cơ làm cho các công trình cống thủy lợi bị hư hỏng. Đối với vùng Nam Cà Mau, hạn hán kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn nước sông tăng cao, ảnh hưởng bất lợi đến nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và khó khăn về nước sinh hoạt do mực nước ngầm sụt giảm.
Trong khi các tỉnh khác của vùng ĐBSCL diễn ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn (dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu), riêng đối với Cà Mau: Ở vùng mặn lợ: hạn hán, thiếu nước ngọt sinh hoạt; Ở vùng ngọt hóa (rất trầm trọng): hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, các kênh trong vùng ngọt bị khô cạn không thể lưu thông bằng đường thủy và phục vụ tưới tiêu, sạt lở đất và hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi rất nghiêm trọng, nguy cơ cháy rừng rất cao.
Tính đến ngày 28/5/2024, hạn hán làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài 19.056m ở huyện Trần Văn Thời (trong đó: 14.669m đường bê tông và 4.387m đường đất đen). Tổng lũy kế thiệt hại về tài sản đến nay trên 30 tỷ đồng. Trong đó, sụt lún, sạt lở ảnh hưởng đường bê tông chiều dài 14.669m; sụt lún, sạt lở đường đất đen chiều dài 4.160m.
Hệ thống công trình cấp nước manh mún chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Đối với nước sinh hoạt nông thôn, tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 94,52%, tuy nhiên, chỉ có 17% sử dụng từ công trình cấp nước tập trung, phần lớn sử dụng nước phổ biến từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.
Tổng số các công trình cấp nước tập trung nông thôn hiện có trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 247 công trình, trong đó Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý khai thác 25 công trình, UBND cấp xã quản lý khai thác 222 công trình, tất cả đều khai thác nước ngầm.
Nguồn nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau chủ yếu nước mưa và nước ngầm, không có nguồn nước mặt (nước ngọt) thay thế, bổ sung vào mùa khô, đặc biệt nhiều nơi nguồn nước ngầm không đảm bảo chất lượng để sử dụng (do nhiễm phèn, mặn…).
Thời gian qua, mặc dù tỉnh quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư nhiều công trình cấp nước nối mạng phục vụ sinh hoạt của người dân, nhưng do nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế, nên công trình được đầu tư với quy mô nhỏ, manh mún, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Thêm nữa, tỷ lệ người dân sử dụng nước từ công trình tập trung còn rất thấp, phần còn lại đa số sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ và trữ nước mưa để sinh hoạt. Điều đó dẫn đến nguy cơ dễ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và gần như không thể xử lý nước đảm bảo chất lượng theo quy định.
Trong đợt hạn mặn vừa qua, toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Thực trạng hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ những năm 1998 đến 2013 (hơn 200 công trình) qua nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp đáng báo động, không còn an toàn và không đủ nước sinh hoạt cho người dân.
Vấn đề thiếu nước sinh hoạt diễn ra rất thường xuyên ở các khu vực nông thôn, nhất là vào mùa khô. Đặc biệt, một số khu vực do điều kiện địa chất, không khoan khai thác được nước dưới đất, nên từ nhiều năm nay, nhiều khu vực nông thôn, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Thời gian qua, đã có nhiều địa phương kiến nghị đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng lại các công trình; đồng thời, cũng có nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông, phản ánh tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, nhưng do nguồn vốn hạn chế, nên chỉ giải quyết được vài điểm mang tính “chữa cháy” cục bộ.
Để giải quyết thực trạng chung này, cần phải có nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư đồng bộ, trọng điểm, mang tính kết nối, từng bước thay thế các công trình cũ, xóa bỏ dần số giếng khoan nhỏ lẻ, hình thành cơ bản hạ tầng nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn, đảm bảo tính bền vững và phát triển cấp nước tập trung để đảm bảo nước sạch cho người dân, chủ động trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra với tần suất ngày càng dày hơn, qua đó đáp ứng tiêu chí cấp nước sạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp
Nguồn nước sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn của tỉnh Cà Mau chủ yếu dựa vào nước trời, mùa vụ canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được đầu tư khá nhiều, bao gồm các công trình kiểm soát mặn, kiểm soát ngập úng, hệ thống kênh các cấp phục vụ tiêu, thoát nước, đê/bờ bao, trạm bơm và hệ thống thủy lợi nội đồng.
Tuy vậy, nguồn nước tích trữ từ mưa trong hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; đa dạng hóa các mô hình kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi từ các mô hình chuyên tôm sang mô hình lúa - tôm.
Khi thực thi các mô hình sản xuất, vấn đề chủ động nguồn nước trong mọi tình huống là đặc biệt quan trọng, trong đó nguồn nước ngọt là mối quan tâm hàng đầu, có tính chất tiền đề cho việc triển khai các mô hình sản xuất ổn định, bền vững và hiệu quả cao.
Theo tính toán của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Cà Mau), tổng lượng nước thiếu hụt cần có các giải pháp bổ sung là 49,82 triệu m3. Con số này cho thấy nhu cầu cần nước ngọt để ổn định sản xuất ở Cà Mau là rất lớn, trong khi lượng nước ngọt tại chỗ chỉ có nước mưa, được giữ lại nhờ hệ thống công trình đã khép kín với số lượng rất khiêm tốn so với nhu cầu sản xuất nơi đây.
Mô hình trữ nước sinh hoạt nông thôn, nước mưa đã và đang được sử dụng, phổ biến ở các vùng ven biển, nơi có nguồn nước mặt và nước dưới đất bị nhiễm mặn, phèn, chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Tỷ lệ sử dụng nước mưa cao ở một số huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, nước mưa là nguồn nước ngọt cho ăn uống, sau đó mới đến lượng nước dưới đất.
Nước mưa được thu và dự trữ chủ yếu trong các bể chứa bằng gạch xây hình chữ nhật hoặc bể đúc bằng bê tông cốt thép hình trụ đứng, một số hộ gia đình chứa nước mưa trong các lu chứa có thể tích nhỏ. Tuy nhiên, tính trên toàn tỉnh, tỷ lệ thu trữ và sử dụng nước mưa còn hạn chế.
Từ thực trạng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đã nêu, cùng với các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu không ngừng tăng lên, với hệ quả là thời tiết cực đoan, nước biển dâng ngày một gia tăng về cường độ. Theo đó, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn là những hậu quả bất lợi trực tiếp của tác động này. Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn khi Cà Mau đang xảy ra hiện tượng lún sụt đất nền, mực nước ngầm hạ thấp với mức rất nghiêm trọng.
Đề xuất, kiến nghị xem xét hỗ trợ những dự án trọng điểm
Từ những thực tế của tỉnh Cà Mau nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và Hội đồng vùng xem xét hỗ trợ những dự án như sau:
- Bộ NN&PTNT sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp gồm có các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên quốc lộ 1A mục tiêu là làm chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống cháy rừng vào mùa khô vùng Bắc Cà Mau.
- Đề xuất xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ sông Hậu cung cấp nước sinh hoạt cho các tỉnh ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau theo quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch cấp nước ĐBSCL để giảm khai thác nước ngầm (nhiệm vụ này Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì).
- Cung cấp nước sinh hoạt: để tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn, phục vụ cho kế hoạch ứng phó với hiện tượng El Nino, tỉnh đang triển khai Dự án cấp nước nông thôn cho vùng khan hiếm nước, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 14.000 hộ, nâng tỉ lệ cấp nước tập trung lên 23%. Kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện đầu tư một số danh mục công trình bức xúc, gọi chung là “Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau”, dự kiến khoảng 13.900 hộ dân được hưởng lợi, nâng tỉ lệ số hộ được cấp nước lên 30% bằng chỉ tiêu tối thiểu trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
- Phương án khắc phục sụt lún, thiếu nước vùng ngọt hóa: Xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi (đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng có diện tích từ 500ha đến 1.000ha nhằm chủ động điều tiết trong nội vùng: từ vùng trũng sang vùng gò và ngược lại theo yêu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, hạn chế bơm bỏ ra sông Đốc và biển Tây trong mùa mưa). Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tối đa mất phản áp khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp gây sụp lún nền đường. Kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí chống hạn phục vụ sản xuất trong những năm tới cho tỉnh Cà Mau, dự kiến đầu tư 5 hệ thống thủy lợi.
- Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã xây dựng xong dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau và chuẩn bị các bước trình tự thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do là địa phương chịu tác động nặng nề nhất so với các tỉnh trong vùng và cả nước nên tỉnh Cà Mau rất mong Thủ tướng và các Bộ ngành Trung ương ủng hộ để tập trung nguồn lực, định hướng cho Cà Mau thực hiện trong thời gian sớm nhất./.