Chiến lược thích nghi sống chung với hạn mặn
ĐBSCL có vị trí nằm cuối nguồn lưu vực sông Mekong, tiếp giáp biển nên xâm nhập mặn vào mùa khô là đặc điểm mang tính tự nhiên của vùng, yếu tố tác động lớn nhất đến mức độ và thời gian hạn mặn hàng năm từ dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL và thủy triều từ biển.
Mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) là do ngay từ đầu mùa mưa, nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN, xâm nhập mặn xuất hiện ngay từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn khoảng 1 tháng so với TBNN.
Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, có hiệu lực từ ngày 17/11/2017 xác định rõ, biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi. Trong đó, tài nguyên nước được xem là yếu tố cốt lõi, cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, phát triển vùng ĐBSCL.
Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL phải tìm cách quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý, tạo ra sinh kế và nguồn lợi cho bà con.
TS Lê Anh Tuấn, cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đánh giá đây là nghị quyết sáng giá, làm thay đổi quan điểm về sử dụng nguồn nước hiện nay.
Nước ngọt là tài nguyên đang dần khan hiếm, nước lợ, nước mặn, tùy theo đặc điểm của từng địa phương có thể khai thác, phát triển tạo ra sinh kế khác. Nói theo quan điểm của TS Lê Anh Tuấn là không nhất thiết phải trồng lúa, vùng nước lợ có thể nuôi tôm thẻ chân trắng hay vùng nước mặn sẽ nuôi tôm sú.
“Cây lúa sử dụng nhiều nước ngọt, trung bình muốn sản xuất 1 tấn lúa phải sử dụng 4.000 – 4.500m3 nước. Trong khi đó, vùng ĐBSCL có nguồn nước lợ, nước mặn, nếu khai thác các tài nguyên này để tạo ra sinh kế khác, bà con nông dân không còn băn khoăn thiếu nguồn nước để trồng lúa”, TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Theo TS Lê Anh Tuấn, vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với hạn, mặn là phải thích ứng và sống chung - nói cách khác là thích ứng cần phải được đặt làm trọng tâm. Đồng thời, các giải pháp cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.
Ông Tuấn cho rằng, ngành chức năng, địa phương cần tăng cường công tác quan trắc, diễn biến hạn mặn; truyền thông để bà con nắm được thông tin cũng như khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cần xây dựng các công trình trữ nước ngọt có thể dựa vào kinh nghiệm của người dân hay đặc điểm từng địa phương.
“Điều quan trọng là nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Ngay cả các công ty cấp nước vùng ven biển giờ cũng phải chấp nhận một số thời điểm nước máy nhiễm mặn. Họ đã tính đến phương án lấy nước ngọt ở thượng nguồn về hay di dời nhà máy nước. Do đó cách tốt nhất là ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt thì mới lâu dài”, TS Lê Anh Tuấn lý giải.
Khuyến khích những mô hính canh tác thích ứng với hạn mặn
Thực tế, sau những đợt hạn hán, xâm nhập mặn giai đoạn 2015 – 2016 và 2019 – 2020, TS Lê Anh Tuấn đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với hạn mặn của người dân vùng ven biển ĐBSCL.
Chẳng hạn, giải pháp dự trữ nước trong mùa mưa bằng nhiều cách khác nhau. Từ phương pháp truyền thống như sử dụng lu, bể xi măng hoặc nạo vét những ao đìa xung quanh nhà, kênh mương lót bạt cao su để tránh việc thất thoát nước. Hiện nay, một số gia đình chủ động hơn khi trang bị các túi vải trữ nước trong mương vườn, với nhiều dung tích, kích cỡ khác nhau, tùy theo khả năng để trữ nước ngọt.
Hiện nay, bà con cũng sẵn sàng đầu tư mua sắm các thiết bị đo mặn cá nhân, đo độ mặn tại những dòng kênh nhỏ dẫn nước vào đồng ruộng để chủ động lấy nước ngọt khi có điều kiện phù hợp. Điều này giúp ngành cấp nước, thủy lợi giảm được rất nhiều áp lực.
Tiến bộ hơn, bà con đã biết theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, khuyến cáo của cơ quan chức năng để chủ động việc xuống giống. Hay một số bà con biết cách theo dõi các ứng dụng trên điện thoại di động để nắm được diễn biến của hạn mặn, từ đó ứng phó tốt hơn.
Một số địa phương, người dân có sự chuyển đổi thông minh các hình thức canh tác khác phù hợp hơn. Như mô hình xen canh tôm lúa, để giảm bớt nhu cầu sử dụng nước ngọt tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Hay tại tỉnh Sóc Trăng, trước đây cỏ năn tượng được xem là cỏ hoang. Dần sau đó, người dân bắt đầu trồng cỏ năn tượng trên những ruộng nuôi tôm. Ưu điểm của loại cây này là có thể lấy oxy trong không khí cung cấp cho nguồn nước. Đồng thời làm cho chất lượng nước tốt hơn, nhờ đó tôm được bảo vệ, đảm bảo phát triển khỏe trong mùa nắng nóng.
Đặc biệt, mô hình này cũng tạo thêm sinh kế mới cho bà con nơi đây nhờ khai thác năn tượng để làm hàng thủ công mỹ nghệ. Tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã hình thành những HTX chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cỏ năn tượng.
Những giải pháp song hành này, một phần hỗ trợ người dân đảm bảo canh tác tốt trong mùa hạn mặn, vừa chia sẻ được nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt hiện nay.
Về sản xuất thích ứng với hạn, mặn, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, ngoài điều chỉnh thời vụ cũng dần giảm diện tích trồng lúa ở vùng không chủ động được nước ngọt, bởi lúa là cây cần rất nhiều nước. Thay vào đó chuyển qua một số cây trồng khác cần ít nước hơn.
Những khu vực nào nuôi tôm được thì chuyển dần sang nuôi tôm nước lợ, nước mặn hoặc mô hình tôm - lúa, mô hình trồng năn tượng - nuôi tôm (năn là nơi che nắng cho tôm, giúp cải thiện môi trường nước; ngoài ra còn sử dụng làm nguyên liệu để đan đát thủ công mỹ nghệ, bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập trong lúc nông nhàn)./.