Hệ thống thủy lợi thông minh ứng phó hạn mặn và nâng cao chất lượng nông sản ĐBSCL

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phải dựa trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thuận thiên với môi trường, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, mặn và phòng chống thiên tai đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nông sản vùng ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL đến năm 2025 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và năm 2100. Theo đó sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi tự động hóa vận hành, bảo đảm an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

phong-chong-han-man-03-1706518434.jpg
Cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn ở khu vực ĐBSCL. (Ảnh minh họa).

Thủy lợi đa năng ngặn hạn mặn

Bến Tre và Cà Mau là 2 địa phương chịu tác động của mặn xâm nhập vào mùa khô nặng nhất khu vực ĐBSCL. Hiện tỉnh Bến Tre đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3-2024. Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập toàn khu vực tỉnh từ tháng 1 đến tháng 5-2024, nhất là các hệ thống sông Hàm Luông, Cửa Đại, kênh Giao Hòa - An Hóa vào sông Ba Lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương khẩn trương, quyết liệt trong chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn năm 2023-2024; chủ động biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đồng thời, phát động việc trữ nước mưa, nước ngọt như: tận dụng dụng cụ trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực. Áp dụng biện pháp khác đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

phong-chong-han-man-04-1706518486.jpg
Nhà vườn ở ĐBSCL chủ động trữ nước ngọt để chuẩn bị ứng phó với tình trạng mặn xâm nhập trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Tại bán đảo Cà Mau, các địa phương chịu tác động do mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây đã sẵn sàng các phương án đóng cửa cống để ngăn mặn. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, khi diễn biến độ mặn tại cầu Cái Tư không vượt 1‰ (1g/lít) thì cống Cái Lớn duy trì mở tự do; còn xâm nhập mặn tương tự mùa khô các năm 2015-2016, 2019-2020 thì cống Cái Lớn sẽ đóng 11 cửa.

Tại Hậu Giang, hiện nước mặn đã lấn vào một số xã ở huyện Long Mỹ (giáp với Bạc Liêu), nhưng ở ngưỡng chưa gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hậu Giang là địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ biển Đông và biển Tây.

Ngành nông nghiệp đang bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân. Ngoài các trạm quan trắc tự động, ngành đã chuẩn bị sẵn sàng cho cán bộ trực trước, trong và sau Tết Nguyên đán để theo dõi thường xuyên đo độ mặn, kịp thời đóng cống ngăn mặn cũng như kịp thời đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó khi mặn xâm nhập.

phong-chong-han-man-01-1706518531.jpg
Trạm quan trắc tự động đo độ mặn tại Hậu Giang.

Là một trong những địa phương ven biển ở ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên và sông Hậu. Đặc điểm địa hình này khiến địa phương chịu tác động của triều biển Đông và dòng chảy từ thượng nguồn đổ về sông Mê Kông.

Trà Vinh luôn nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là vào thời điểm mùa khô, mặn xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Ranh mặn 4 phần nghìn trên các sông chính thường xuất hiện cách cửa sông từ 50 – 60km đúng vào mùa khô.

Nhận định nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm 2024 có thể tương đương mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, UBND tỉnh Trà Vinh đã đưa ra 2 kịch bản ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Kịch bản 1, khi cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu từ 25 - 50km tính từ cửa sông và kịch bản 2 khi cửa 2 con sông chính bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu hơn 50km tính từ cửa sông.

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh hiện đang tập trung thực hiện các công trình thủy lợi theo hướng đa chức năng. Vừa đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý để khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh, phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm...

Đặc biệt, Trà Vinh đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp trong năm 2024. Cụ thể là 34 cống điều tiết thủy lợi nội đồng và nạo vét 17 kênh trục, kênh thủy lợi cấp II, I. Đối với các công trình thủy lợi nội đồng trực tiếp địa phương quản lý, ngành nông nghiệp tiến hành nạo vét với tổng số 384 công trình, tổng chiều dài trên 315km và 12 công trình bờ bao.

Hoàn thiện hệ thống thủy lợi hiện đại thông minh

Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long’’ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2020. Theo đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL đến năm 2025 – 2030, tầm nhìn năm 2050 và năm 2100, sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi tự động hóa vận hành, bảo đảm an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Cụ thể, đến năm 2025 tập trung tổ chức, kiện toàn, thành lập các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo đúng quy định của Luật Thủy lợi. Đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi lớn để kiểm soát mặn, nguồn nước, phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến năm 2030, phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững tại các tiểu vùng sinh thái.

Đến năm 2050, phải hoàn thiện hệ thống thủy lợi hiện đại, thông minh; chủ động phòng chống thiên tai như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu… Năm 2100, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL được tự động hóa vận hành, đảm bảo an toàn trước thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

phong-chong-han-man-02-1706518413.jpg
Hệ thống cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền, đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. (Ảnh minh họa)

Quan điểm chung là hiện đại hóa hệ thống thủy lợi làm cơ sở để cơ cấu lại nông nghiệp nhằm phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đa dạng (thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo), ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phải dựa trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên với môi trường, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, mặn và lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, hiện đại hóa thủy lợi cũng gắn với quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai...

Giai đoạn thực hiện, từ nay đến năm 2025, khảo sát hiện trạng hạ tầng các hệ thống thủy lợi để phục vụ cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Xây dựng hệ thống giám sát tự động về độ mặn, nguồn nước, chất lượng nước; cải tạo và sữa chửa, nâng cấp hệ thống cống, nâng cấp đê, bờ bao cho vùng cây ăn trái; nâng cấp công trình cấp nước cho vùng nuôi thủy sản…

Từ năm 2026- 2030, hoàn thiện thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản và vùng ngọt hóa; khép kín, hoàn thiện hệ thống đê bao, bờ bao và công trình nội đồng, công trình kiểm soát, chuyển nước liên vùng.

Giai đoạn 2031 – 2050, phát huy hiệu quả các dự án được thực hiện trước đó; đồng thời điều chỉnh phù hợp yêu cầu phát triển nội vùng, tác động của biến đổi khí hậu; đầu tư tự động hóa vận hành các công trình thủy lợi khép kín, công trình kiểm soát lũ, kiểm soát mặn…

Sau năm 2050, kế thừa và phát huy kết quả từ các giai đoạn trước; tiếp tục hiện đại hóa thủy lợi theo chiều sâu, bảo đảm phục vụ và phát triển hàng hóa chất lượng cao…

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mê Công, đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Do vậy, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn ở khu vực ĐBSCL.

Hiện Bộ NN-PTNT đang khẩn trương điều chỉnh cơ chế hoạt động của các công trình thủy lợi tại ĐBSCL từ ngăn mặn trữ ngọt để sản xuất lúa sang điều tiết mặn - ngọt. Trước thách thức của nguồn nước ngọt đang suy giảm, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chương trình tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 700.000-800.000ha (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn) được tưới tiết kiệm./.

Bình Nguyên