Tìm giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển bền vững

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nuôi biển ở nước ta hiện còn nhiều hạn chế như mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết; trình độ kỹ thuật của người dân chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học công nghệ sản xuất giống còn yếu, công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết... Bên cạnh đó, bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý môi trường biển và kiểm soát dịch bệnh.

Được biết, Quảng Ninh là tỉnh có bờ biển dài 250km chạy dọc từ Móng Cái đến Quảng Yên, có vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng hơn 43 nghìn héc-ta rừng ngập mặn và bãi triều. Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông thủy, bộ và hàng không được đầu tư đồng bộ và nằm trong quy hoạch hệ thống khu kinh tế ven biển của quốc gia; có thị trường tiêu thụ rộng lớn như thị trường Đông Bắc Á, vùng đồng bằng sông Hồng và nội tỉnh Quảng Ninh.

Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản trên biển.

Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích thủy sản nuôi trồng tại Quảng Ninh đạt 32.092 ha, trong đó có 7.500 ha nuôi tôm, cá biển ao đầm đạt 2.208 ha, 9.500 ha nuôi nhuyễn thể, 2.500 ha nuôi nước ngọt, 10.384 ha nuôi các đối tượng khác và 14.502 lồng nuôi cá biển.

Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (trong đó có 8 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá biển; chiếm tỉ lệ 44%) đã sản xuất, ương dưỡng tại chỗ và cung ứng khoảng 2.221 triệu giống thủy sản ra thị trường trong, ngoài tỉnh: Giống tôm là 1.820 triệu con, giống cá biển là 7 triệu con, nhuyễn thể là 285 triệu con, cá nước ngọt là 39 triệu con và đối tượng nuôi khác là 70 triệu con.

Giai đoạn vừa qua, ngoài các loài nhuyễn thể, giáp xác... thì cá biển, rong, tảo biển cũng có vai trò quan trọng phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Năm 2021, tổng sản lượng nuôi biển đạt 700 nghìn tấn, trong đó nhuyễn thể hơn 470 nghìn tấn, cá biển 58 nghìn tấn, tôm hùm 2.200 tấn, rong biển xấp xỉ 130 nghìn tấn,…

Song song với những thành quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tồn tại tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, có nơi, có lúc còn tự phát. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch vùng nuôi.

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý trung ương và các địa phương có biển, các viện nghiên cứu, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam qua định hướng công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, thức ăn, cơ giới hoá, đào tạo và định hướng phát triển đa ngành…

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: "Chúng ta tổ chức lại sản xuất cho người dân ở ven biển, tổ chức sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phải phù hợp với sức tải của môi trường. Chúng ta đã có những phương án như quy hoạch lại vùng sản xuất, thay đổi, chuyển giao khoa học công nghệ, quan trọng hơn nữa là mong muốn tích hợp những giá trị khác, như từ du lịch, từ đó đời sống của người dân sẽ tốt hơn và bền vững hơn".

tnb-50439-1667491326.jpg
Ảnh minh họa.

Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nuôi biển là thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư vật liệu, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ; hình thành kênh cung cấp thông tin cho các cơ sở nuôi biển; xây dựng cơ chế liên kết với ngành kinh tế khác…

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Quảng Ninh, đến tháng 10/2022, đơn vị cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương ven biển đã chủ động rà soát, cập nhật, tích hợp quy hoạch vùng nuôi biển tập trung vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Quảng Ninh cùng Sở NN-PTNT vẽ bản đồ, các quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Đây là việc làm cần thiết khi nhìn về tổng thể trước mắt và lâu dài là phải thực hiện.

Thứ trưởng đề nghị quy hoạch phải rà soát chi tiết, đến từng đối tượng, tổng hợp lại các khu vực như nội đồng, vùng ven bờ, trước 6 hải lý và sau 6 hải lý phải rõ ràng, để khi mở đến quy hoạch kinh tế của tỉnh ra, nói đến quy hoạch thủy sản phải thấy rõ, đầy đủ.

Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu dịch chuyển và giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ 3 hải lý trở vào; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường trong giới hạn từ 3 đến 6 hải lý; phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại các địa phương ven biển (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long,…) có điều kiện tự nhiên thích hợp và phù hợp với định hướng, kế hoạch sử dụng không gian biển.

Mục tiêu chung là phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện KT-XH và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha, sản lượng nuôi biển đạt 850 nghìn tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 800 triệu đến 1 tỷ USD.

Thi Nguyên (t/h)