Hiệu quả phát triển mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, diện tích mặt nước hơn 19.000ha, với 1.300 đảo lớn nhỏ, độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định nên việc nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi.

Gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên hồ Thác Bà đã nhiều năm nay, anh Lê Văn Thư ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, từ khi tận dụng mặt nước sẵn có để nuôi cá lồng, kinh tế gia đình anh ổn định hơn. Gia đình anh nuôi cá trên diện tích mặt nước sẵn có, với trên 50 lồng cá các loại, anh đã xuất bán ra thị trường trên 20 tấn cá. Trong đó, chủ yếu là các loại cá như: Cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm đen, ngạnh…

“Trước đây bản thân anh chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên. Sau đó được chính quyền địa phương khuyến khích nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Từ khi chuyển sang mô hình mới này thu nhập của gia đình ổn định hơn, kinh tế đỡ khó khăn hơn”, anh Thư cho biết thêm.

ca-1666855711.jpg
Thu nhập từ nuôi cá đã giúp đảm bảo đời sống cho người dân nơi đây. (Ảnh: Tép Bạc)

Theo ghi nhận, hiện nay người dân các xã vùng hồ Thác Bà của huyện Yên Bình phát triển nuôi cá trên hồ với hai hình thức: Nuôi cá trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước. Nhờ lợi thế sẵn có, cùng những tiến bộ khoa học, sản lượng cá trên hồ Thác Bà liên tục tăng qua các năm. Trong số đó, sản lượng cá da trơn chất lượng cao nuôi bằng lồng tăng nhanh trong năm 2021 như: cá lăng chấm, cá ngạnh, cá nheo….

Được biết, hiện khu vực xung quanh hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác cùng trên 300 hộ dân nuôi cá lồng, nuôi cá quây lưới. Những năm trở lại đây, hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng đều mở rộng quy mô nuôi các loại cá đặc sản, nhất là những loại cá da trơn có nguồn giống bản địa. Nhờ phát triển thủy sản trên hồ, đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều công nhân lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định.

Đơn cử, Công ty cổ phần nghiên cứu ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T cũng đã đầu tư hệ thống lồng nuôi cá chất lượng cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Theo thống kê, với quy mô trên 100 lồng nuôi cá các loại, năm 2021, công ty đã xuất bán ra thị trường khoảng 400 – 500 tấn cá, trong đó chủ yếu là cá nheo Mỹ, cá lăng, trắm đen, diêu hồng,… đạt doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng.

Ông Lã Tuấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà luôn được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mời gọi các doanh nghiệp để cùng các HTX, tổ hợp tác và người dân phát huy lợi thế của địa phương đưa thương hiệu cá vùng hồ Thác Bà vươn xa hơn. Để đảm bảo quy mô và việc nuôi trồng thủy sản không tác động đến môi trường, tất cả các cơ sở nuôi cá trên hồ đều phải đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện quy định, thủ tục về môi trường.

Hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái với diện tích mặt nước trên 19.000ha, ngoài tiềm năng phát triển du lịch, hồ Thác Bà còn có trên 2.000 lồng nuôi cá, 815ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; tổng sản lượng thủy sản đạt trên 7.500 tấn/năm. Nhờ phát triển thủy sản, đã có nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hoàng Hà (t/h)