Bến Tre mở rộng diện tích nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao

Tỉnh Bến Tre đang chú trọng đến việc mở rộng diện tích nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát triển thêm 493 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, tập trung nhiều ở các huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri. Tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Bến Tre khoảng 2.500 ha, đạt 100% so kế hoạch năm 2022, sản lượng đạt 42.000 tấn. Năng suất bình quân 40-60 tấn/ha, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ.

Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, mặc dù nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn và phải nắm vững kỹ thuật nhưng tỷ lệ tôm nuôi đạt hiệu quả khá cao, năng suất đạt từ 60-70 tấn/ha giúp hơn 80% ao nuôi có lãi.

Hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư khá quy mô và ngày càng cải tiến hơn về khâu thiết kế kỹ thuật hạ tầng vùng nuôi. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư còn tận dụng hệ thống mái che của khu nuôi kết hợp đầu tư hệ thống điện mặt trời, góp phần chủ động nguồn điện và tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm hạn chế rủi ro và chủ động về kích cỡ tôm thu hoạch theo yêu cầu của thị trường.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, (ngụ tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt. Hiện ông Nguyễn Thành Phong nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2 ha. Với giá tôm hiện khoảng 180.000 đồng/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ.

nuoi-tom-1666863436.jpg
Từ đầu năm đến nay tỉnh Bến Trẻ đã phát triển thêm 493 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết thêm, việc hoàn thiện, mở rộng ứng dụng công nghệ sản xuất giống đã được đầu tư quy mô hơn, từng bước nâng cao chất lượng giống và chủ động về con giống của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp có năng lực đã tham gia vào quy trình sản xuất giống thủy sản với công suất khoảng 3 - 6 tỷ con giống/năm. Tỉnh hiện có 3 khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận, Thừa Đức (Bình Đại) và xã Thạnh Hải (Thạnh Phú).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030 xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Dừa, cây ăn quả, cây giống và hoa cảnh, lợn, bò, tôm. Với sản phẩm tôm, Bến Tre đặt mục tiêu hoàn thành 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao và giá trị sản xuất đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Để có thể thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tiến hành thực hiện kế hoạch triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao. Vừa qua, Bộ NN&PTNT chấp thuận phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại địa bàn huyện Bình Đại với tổng mức đầu tư trên 83 tỷ đồng; dự án hạ tầng vùng nuôi 2.000 ha tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ba Tri được phê duyệt với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng. 

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao huyện Thạnh Phú, khoảng 300 tỷ đồng, nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh.

Tuy nhiên, Bến Tre đang gặp khó về vấn đề quỹ đất công để đầu tư các vùng nuôi công nghệ cao tập trung, hệ thống hạ tầng nhất là điện 3 pha phục cho vùng nuôi tôm tập trung còn hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 10% sản lượng tôm biển nuôi của tỉnh.

Thi Nguyên (t/h)