Hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4817/VPCP-QHĐP ngày 1/8/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
3554229659-70146e680b-o-1-768x510-1660009269.jpg
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững là mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới

Hỗ trợ người nông dân sản xuất giống

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ NN-PTNT tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất sản xuất lúa không hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái mang hiệu quả cao. Bộ đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển, nghiên cứu giống theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 (Chương trình giống); chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đội ngũ người nông dân tham gia sản xuất giống.

3628-myt-trong-nhyng-myc-tieu-cya-dy-an-nescafe-plan-la-nang-cao-yyi-syng-cya-ngyyi-nong-dan-1660009269.jpg
Tìm đầu ra cho nông sản là bài toán quan trọng cần có lời giải

Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu trong nước thay thế nguồn nhập khẩu, đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương triển khai các giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp đầu vào; phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Tìm đầu ra cho nông sản

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT thôn phối hợp với Bộ Công thương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi; nâng cao năng lực hệ thống kiểm dịch; tăng cường triển khai hỗ trợ cấp mã số vùng trồng đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc; phối hợp với lực lượng hải quan, biên phòng chủ động trao đổi thông tin về yêu cầu nhập khẩu đối với các lô hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng, chủng loại trái cây xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Bộ NN-PTNT phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam rà soát, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để thực hiện hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu đề xuất về nâng cao tri thức cho người nông dân; tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý

Phó Thủ tứng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí, các doanh nghiệp trong nước có giải pháp để giảm giá và bình ổn giá phân bón.

Bộ tăng cường quảng bá hình ảnh thực phẩm Việt Nam - Foods of Vietnam tại các triển lãm trong nước và quốc tế. Phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nâng cao hình ảnh của sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua các hội trợ triển lãm, lễ hội trong nước và quốc tế; có chính sách, chiến lược đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về nông thôn. Hàng năm, bố trí và tăng nguồn kinh phí để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp thực hiện các chương trình này.

fresh-vietnamese-mango-1660009269.jpg
Công văn cũng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu nông sản Việt Nam

Các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây và sản phẩm OCOP; Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động thương mại tiêu thụ nông sản, quan tâm thương mại quốc tế; xây dựng các sàn giao dịch nông sản hiệu quả; đặc biệt quan tâm đầu tư kết nối thương mại điện tử cho người dân.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, triển khai đào tạo, tập huấn và truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện để các Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp, tham gia đào tạo nghề cho nông dân và lao động ở nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa các cuốn sách, cẩm nang về đào tạo từng nghề cụ thể trong nông nghiệp.

Các cơ quan xây dựng chính sách đào tạo nghề đặc thù trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đối với lao động dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là lao động trẻ; Có cơ chế, chính sách để thu hút lao động trẻ về nông thôn, nhất là khu vực miền núi làm việc ổn định, lâu dài.

Thu hút đầu tư kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong đó nghiên cứu quy định về hỗ trợ của Nhà nước, quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, hỗ trợ người có trình độ về làm việc cho hợp tác xã; chính sách về hỗ trợ tín dụng cho vay ưu đãi, vay không tài sản bảo đảm; về bảo hiểm; vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng thành viên và người lao động trong hợp tác xã.

205475014-cb3a2aa743-o-768x380-1660009269.jpg
Các đơn vị tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung hỗ trợ ngành chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với thị trường và phát triển vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng chính sách ưu đãi và tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi chế biến nông sản, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao; tập trung định hướng vùng nguyên liệu trái cây mang tính chất vùng, liên vùng, phát triển cây ăn quả chủ lực phục vụ cho sản xuất, chế biến ổn định, bền vững.

Các đơn vị tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; bố trí dự toán và cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019.