Đường bê tông vào Nà Ôm vẫn còn hăng hắc mùi xi măng thay cho con đường đất lầy lội trước kia, nay đã lùi vào quá khứ. Cuối năm ngoái, cả làng ra quân tập trung làm đường NTM. Làm xong đường, làng cũng thành lập luôn HTX làm chè Shan tuyết để tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm. Mọi việc làm ăn trong làng năm nay cũng đổi khác nhiều. Từ đầu năm tới giờ, chè được giá nhưng chăn nuôi trâu, bò gặp khó khăn về tiêu thụ. Trước tình thế đó, bà con chuyển hướng từ nuôi vỗ béo, sang chăn nuôi sinh sản để chờ cơ hội. Đây là cách làm thích ứng điều kiện hiện tại. Ông Đặng Chòi Sang, Trưởng nhóm chăn nuôi đại gia súc thôn Nà Ôm bộc bạch: Thức ăn cho trâu, bò lấy trong vườn, đồi rừng về nuôi. Chất thải của gia súc chăm bón lại cho cỏ. Đây là cách chăm lấy gốc để rồi đón lấy ngọn, chẳng đi đâu mà mất. Cách làm đó, xưa nay ông cha ta vẫn làm cớ gì mà phải vội vàng bán tống, bán tháo trâu, bò thời gian này. Bình quân mỗi hộ trong nhóm đang nuôi từ 2 – 3 cặp trâu, hoặc bò sinh sản, đến cuối năm, Nà Ôm đã có một đàn gia súc lớn. Đợi thời giá bình ổn trở lại sẽ có ít nhất chục nhà có tiền trăm triệu từ chăn nuôi. Nhóm chăn nuôi đã bàn phải chuyển dần từ chăn nuôi nhóm hộ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại tập trung. Phải từ bỏ kiểu: Mạnh ai nấy làm để phát triển chăn nuôi hàng hóa có chất lượng. Tận dụng triệt để đất đai, sức người thì Nà Ôm sẽ trở thành thôn giàu có trong nay mai. Ông Sang nhấn mạnh như vậy.
Trao đổi với Trưởng thôn Nà Ôm, Đặng Quầy Tuấn được biết: Nà Ôm có 63 hộ, dân tộc Dao chiếm đa số. Cả thôn hiện có trên 50 ha chè Shan tuyết. Cây chè lâu nay đã trở thành nét văn hóa trong đời sống cộng đồng người Dao. Có lợi thế về độ cao, cây chè Nà Ôm sinh trưởng rất tốt, cho năng suất cao và có hương vị độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc thành lập HTX chè để sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP là hướng đi đúng của thôn. Làm chè chất lượng cao là cách làm phù hợp cơ chế thị trường cạnh tranh hiện nay. Anh Tuấn rãi bày: Kể từ khi mở xưởng, giá bán chè búp tươi tăng từ 3.500đ/kg lên 7.000đ/kg. Sản phẩm chè chế biến ở Nà Ôm đang bán bình quân từ 80.000đ – 100.000đ/kg nay đã tăng lên 180.000đ/kg. Hiện nay, sản phẩm chè chế biến của HTX làm ra đến đâu, bán hết đến đó. Đời sống của đồng bào Dao Nà Ôm nửa đầu năm nay đã có phần khởi sắc. Trong 5 tháng đầu năm, nhiều vùng chè không cho thu hái vì sâu, dịch bệnh. Thế nhưng, cây chè Shan tuyết Nà Ôm vẫn cho thu hái búp đều hàng tháng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu dùng. Để sản phẩm chè OCOP Nà Ôm vươn tới khách hàng cả nước, HTX đang chuẩn bị sản phẩm để chào bán trên thị trường thương mại điện tử. Hy vọng, thời gian nữa sản phẩm chè OCOP của thôn sẽ mang đến niềm vui cho mọi nhà.
Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, Triệu Văn Ngân cho biết, Liên Hiệp đang duy trì 3 mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung. Hiện tại, UBND xã đang tiếp tục xem xét, rà soát lại quỹ đất để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đưa chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi động vật ăn cỏ lên thành ngành nghề chính trong chuyển đổi sản xuất. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ngành chăn nuôi chiếm gần 40% tỷ trọng trong sản xuất nông nghiệp. Còn lại, tập trung vào cây lúa chất lượng cao để xây dựng gạo OCOP. Tiến tới hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa đặc sản. Liên Hiệp phấn đấu đến cuối năm sẽ có ít nhất từ 2 đến 3 sản phẩm chất lượng OCOP chào bán trên chợ thương mại điện tử. Thực hiện tái sản xuất theo hướng sắp xếp lại cây, con có giá trị kinh tế cao, sản xuất hàng hoá dựa trên quy luật cung, cầu để tránh rủi ro.
Tạm biệt Liên Hiệp trong buổi chiều đầy nắng. Lúa Xuân trên các cánh đồng làng đã chín vàng. Gió nhẹ, hương cốm đầu mùa đang làm dịu đi cái nắng oi nồng...