Mới đây, Trường Nông nghiệp (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) vừa tổ chức buổi tọa đàm “Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển bền vững”. Buổi hội thảo được diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ TP. Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Theo PGS.TS Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), những năm gần đây, khu vực ĐBSCL đang chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan như ngập lũ, khô hạn, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp hay ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp và không theo quy luật tự nhiên.
Tiếp cận sâu vào buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, điển hình như tăng trưởng xanh và sản xuất lúa ở ĐBSCL; kiểm soát dịch bệnh động vật theo hướng tuần hoàn và an toàn sinh học, đặc biệt hướng đến những cơ hội và thách thức trong phát triển chăn nuôi,...
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu là canh tác nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ và lạm dụng hoá chất trong nông nghiệp. Như vậy, phát triển nông nghiệp xanh ở ĐBSCL là xu hướng tất yếu và là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.
Ở một diễn biến khác, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2045, tại đây đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, chú trọng mạnh vào sự phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, mang đến hiệu quả cao, bền vững, tính minh bạch, trách nhiệm,... Đặc biệt hơn, gần đây Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Cùng với đó, tại Hội nghị COP 26 (tháng 12/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số, hướng đến sự tiếp cận vào các tiêu chuẩn của thế giới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng tầm chất lượng,...
Nhìn chung, điều này có thể trở thành bằng chứng để chứng minh rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang trên đà thực hiện cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiêp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và đưa nông nghiệp xanh đến với sự hoàn thiện hơn.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, để sản xuất lúa ở ĐBSCL đạt mức tăng trưởng xanh, bền vững trong thời gian tới, điều đầu tiên cần được thúc đẩy chính là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đặt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Ngoài ra, ông còn hướng đến việc trồng lúa giảm phát thải carbon trên 1,9 triệu ha lúa. Điều này sẽ giúp ngành lúa gạo vùng ĐBSCL giảm phát thải khoảng 11 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trong đó, việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ thay vì đốt sẽ giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn hiện nay, trung bình mỗi hộ nông dân ĐBSCL đang sở hữu 1,2ha đất sản xuất lúa, cho thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm. Việc canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất lúa theo VietGAP sẽ giúp giảm 12 - 23 tấn CO2/ha.
Tổng quát chung, bước chân hướng đến nền kinh tế xanh, trung hoà carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, con người luôn được nhấn mạnh là trung tâm trong việc giảm thiểu sự tổn thương tới môi trường sinh thái, sự biến đổi khí hậu cực đoan,... Vì thế, cần xây dựng lối sống có trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên và môi trường, để nhận lại được một hương vị sinh thái tốt lành./.