Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, LNG được đánh giá có tầm quan trọng trong việc cải thiện an ninh nguồn cung cấp năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam trong tương lai.
Theo Quy hoạch Điện VIII được Chính phủ thông qua mới đây đã định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ 22.400 MW năm 2030, chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030. Đây là những chính sách định hướng chiến lược để thúc đẩy sử dụng khí LNG như một nguồn năng lượng sạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Điện VIII với kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG từ nay đến năm 2030, điều đó sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ về năng lượng từ Việt Nam.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia nước ngoài lạc quan vào triển vọng bán thêm nhiều khí hóa lỏng (LNG) cho Việt Nam. Cụ thể, theo Tony Regan, Trưởng bộ phận khí đốt châu Á - Thái Bình Dương công ty tư vấn năng lượng và lọc dầu NexantECA dự kiến nhu cầu LNG từ châu Âu sẽ đạt đỉnh vào 2027, trước khi giảm vào năm 2030, thời điểm khách hàng Đông Nam Á nổi lên. Nhờ Quy hoạch điện VIII, Việt Nam là một điểm sáng cho thị trường LNG.
Tập đoàn Shell (Mỹ) cho biết đã chứng kiến "sự tăng trưởng vượt bậc" trên thị trường LNG trong hai tháng qua. Họ chỉ ra 3 quốc gia sẽ là động lực chính, với 2 trong số đó đến từ Đông Nam Á. Tập đoàn đã cung cấp cho ba quốc gia mới là Đức, Việt Nam và Philippines và tất cả đều là những thị trường LNG tiềm năng rất quan trọng.
Mới đây, PV Gas ký hợp đồng nhập khẩu chuyến LNG đầu tiên với Shell đến Việt Nam. Để nhập khẩu, PV Gas đã hoàn thành dự án kho cảng LNG Thị Vải, đã được Bộ Công Thương cấp chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.
Hiện LNG Thị Vải là kho LNG đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam, công suất giai đoạn một là một triệu tấn mỗi năm, sau đó mở rộng lên 3 - 6 triệu tấn mỗi năm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp, cũng như bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2023, theo PV Gas.
Ngoài PV Gas, một số công ty nước ngoài cũng bắt đầu tham gia lĩnh vực LNG tại Việt Nam. Đơn cử Delta Offshore Energy (DOE) có kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng 4 tỷ USD, công suất 2,5–3 MTPA ở tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, dự án chưa khởi công do còn một số vướng mắc.
Đồng thời, AES (Mỹ) đã thành lập liên doanh với PV Gas để xây dựng và vận hành kho cảng LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận. Ngoài ra, ExxonMobil và JERA Nhật Bản đang hợp tác trong một dự án tích hợp sản xuất điện từ LNG ở miền Bắc Việt Nam.