Phát biểu bên lề Hội nghị Khí đốt Thế giới tổ chức tại Daegu (Hàn Quốc), bà Meg O'Neill, Giám đốc điều hành Woodside Energy Group, nhận định “Dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, chúng ta đang thấy nhiều quốc gia nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch từ Nga, đồng nghĩa với việc nhu cầu về khí LNG từ các nhà cung cấp khác như Australia tăng lên”.
Tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường khí LNG toàn cầu vốn đã diễn ra trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng phát do thiếu hụt đầu tư mở rộng cũng như khai thác các mỏ khí mới trong 5 năm qua. Cuộc xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2 vừa qua càng khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt trở nên nghiêm trọng hơn.
Hàng loạt quốc gia phương Tây đã công bố các kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, bao gồm cả khí LNG, nhằm gây sức ép đối với các hoạt động quân sự của nước này tại Ukraine. Theo bà Meg O'Neill, giá khí LNG có thể tiếp tục tăng trong năm sau và điều này sẽ kéo dài trong vài năm tới cho đến khi cân bằng cung – cầu trên thị trường khí đốt quốc tế được tái lập trở lại.
Bà Meg O'Neill cũng cho biết siêu dự án khí đốt Scarborough trị giá 12 tỷ USD của Woodside Energy Group tại Australia sẽ chỉ bắt đầu đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2026. Do đó, thị trường khí LNG sẽ vẫn đối mặt tình trạng căng thẳng nguồn cung. Dự kiến, dự án khí đốt Scarborough sẽ cung cấp 8 triệu tấn khí đốt/năm ra thị trường quốc tế.
Mặc dù giá khí LNG giao ngay tại khu vực châu Á đã giảm khoảng 50% so với mức cao nhất mọi thời đại hồi tháng 12/2021, mức giá hiện tại vẫn cao hơn đến 3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà nhập khẩu từ châu Á đang phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp tại châu Âu để đảm bảo nguồn cung.
Nhiều nhà nhận định giá khí LNG trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới khi thị trường đối mặt với tình trạng không chắc chắn về nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu cũng như diễn biến thời tiết.