Bến Tre chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường carbon

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với các ngành liên quan để đánh giá tiềm năng carbon trên địa bàn tỉnh nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh Bến Tre tham gia thị trường carbon...
ben-tre-thi-truong-car-bon-03-1712893471.jpg
Diện tích trồng cây dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre khoảng 79.078ha tạo cơ sở để khai thác tín chỉ carbon. (Ảnh minh họa)

Đánh giá tiềm năng thị trường carbon

Ngày 11/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, vừa giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì thực hiện, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tiềm năng tỉnh Bến Tre tham gia thị trường carbon”, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 4,5 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2024 - 2026 được phân bổ hàng năm.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với các ngành liên quan để đánh giá tiềm năng carbon trên địa bàn tỉnh nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh Bến Tre tham gia thị trường carbon theo lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020.

Trong thời gian từ năm 2024 - 2026, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện một số nội dung như: đánh giá, xác định tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, xây dựng, năng lượng, chất thải. Bên cạnh đó nghiên cứu, xây dựng tín chỉ carbon tỉnh Bến Tre trong các lĩnh vực, tập trung cho đối tượng cây dừa, rừng ngập mặn ven biển, năng lượng tái tạo, chăn nuôi. Đồng thời thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý, các cơ sở phát thải khí trên địa bàn tỉnh về tham gia thị trường carbon.

ben-tre-thi-truong-car-bon-01-1712893531.jpg
Bến Tre thực hiện giải pháp kè mềm hiệu quả để bảo vệ môi trường, chống sạt lở. (Ảnh minh họa)

Được biết, đây là nhiệm vụ cụ thể của tỉnh nhằm triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí nhà kính CO2. Một tín chỉ tương đương 1 tấn CO2. Trong xu thế phát triển bền vững và giảm lượng khí thải carbon hiện nay thị trường tín chỉ carbon đang trở thành cơ hội hấp dẫn cho ngành nông nghiệp nói chung và các vùng chuyên canh dừa ở Bến Tre nói riêng.

Triển vọng từ việc khai thác tín chỉ carbon trên vùng dừa

Tỉnh Bến Tre có trên 79.000ha vườn dừa, khoảng 25.000 ha vườn cây ăn trái và gần 7.000 ha rừng ngập mặn. Đây là những diện tích có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Đặc điểm của sinh khối ở Bến Tre là cây xanh quanh năm và không có mùa rụng thay lá nên hiệu quả hấp thụ carbon là tương đối cao.

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ: Trung bình 1ha rừng dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ từ 25 – 75 tấn CO2. Bến Tre có khoảng 78.000ha vườn dừa, như vậy có tiềm năng lưu trữ 1.950.000 – 5.850.000 tấn CO2 (chưa kể cây trồng dưới tán dừa). Hiện nay, giá bán tín chỉ carbon thấp nhất là 5 USD/tấn CO2, thì Bến Tre có thể bán được 9,75 - 29,25 triệu USD.

PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất, tỉnh Bến Tre cần có những điều tra sâu rộng hơn khả năng tích giữ carbon trên toàn bộ địa bàn tỉnh, cả cây dừa và các loại cây nhiều năm khác, tiến đến có những chứng chỉ carbon và xúc tiến việc thương mại hóa các tín chỉ này như một nguồn lợi về kinh tế.

ben-tre-thi-truong-car-bon-02-1712893565.jpg
Cây dừa đem lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân Bến Tre và mở ra nhiều cơ hội trên thị trường tín chỉ carbon. (Ảnh minh họa)

Theo các nhà chuyên môn, ngoài 78.000 ha vườn dừa, Bến Tre còn có khoảng 25.000 ha vườn cây ăn trái và gần 7.000 ha rừng ngập mặn có tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ carbon.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, vấn đề này cần thời gian tìm hiểu và tiếp tục nghiên cứu kỹ về tiềm năng của địa phương, tính toán phương thức chia lợi nhuận cho người dân.

Thực hiện kế hoạch hành động của UBND tỉnh Bến Tre về tăng trưởng trưởng tại Bến Tre giai đoạn 2021 2030, Sở NN&PTNT sẽ phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn phát thải carbon thấp thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải đồng thời khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon. Ngoài ra, chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng giá trị của thị trường carbon đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là cây dừa cũng như các loại cây lâu năm khác.

Đồng thời, Sở NN&PTNT Bến Tre phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng của tỉnh tham gia thị trường carbon tập trung cho đối tượng cây dừa, cây ăn trái, rừng ngập mặn ven biển, chăn nuôi nhằm xác định tiềm năng tín chỉ carbon, chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tỉnh tham gia thị trường carbon./.

Bình Nguyên