Thanh Hóa: Áp dụng công nghệ cao, hướng đến tới phát triển nông nghiệp xanh

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp xanh đã trở thành một giải pháp cấp bách. Không chỉ giúp hạn chế sử dụng các chất hóa học độc hại, nông nghiệp xanh còn góp phần cải thiện chất lượng đất, nước, không khí và bảo vệ đa dạng sinh học.
nong-nghiep-xanh-1-1729578093.jpg
Trang trại trồng bưởi hữu cơ của ông Vũ Văn Chiến đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cuộc cách mạng 4.0 đã mang đến làn gió mới cho nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất xanh. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, chất lượng nông sản được nâng cao đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và góp phần bảo vệ môi trường.đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại Thanh Hóa, nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3825/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030.

Theo kế hoạch, thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; phấn đấu sớm đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư vào các dự án xanh, đồng thời tích cực phối hợp với doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức xã hội để triển khai các hoạt động cụ thể. Nhờ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để Thanh Hóa phát triển bền vững.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”; phát triển các mô hình trong nhà màng, nhà lưới; nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm, đậu lạc... sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; xử lý chất thải thành khí sinh học, nuôi trùn quế, áp dụng công nghệ vi sinh, đệm sinh học, chế biến phân vi sinh, phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường...

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 5.100ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, lúa 4.264ha, chè 24ha, rau đậu các loại 47,6ha, cây ăn quả 481ha, cây dược liệu 281,5ha, cây khác 1,9ha... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.471,8ha cây trồng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp an toàn góp phần tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

nong-nghiep-xanh-2-1729578348.jpg
Mô hình nho xanh của Bí thư Đoàn xã Xuân Du, đã tạo ra một làn sóng mới trong ngành nông nghiệp của địa phương.

Ghi nhận tại trang trại trồng bưởi hữu cơ của ông Vũ Văn Chiến xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) cho thấy, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, trang trại đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, bưởi Ngọc Phụng không chỉ thơm ngon, ngọt mát mà còn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Vũ Văn Chiến, chủ trang trại chia sẻ: “Thay vì sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, tôi đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại trang trại như phế phẩm cá, chất thải chăn nuôi và bưởi rụng để tạo ra phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng. Quá trình ủ phân được thực hiện một cách tỉ mỉ, kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại, giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây bưởi phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, việc nuôi ngỗng và gà dưới tán bưởi không chỉ giúp kiểm soát cỏ dại mà còn tạo ra một hệ sinh thái cân bằng, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ cỏ. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ nên bưởi Diễn của tôi không chỉ có chất lượng vượt trội mà còn mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm tuyệt đối”.

Hay như mô hình trồng nho hữu cơ tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh đã và đang thu hút sự quan tâm lớn không chỉ của người dân địa phương mà còn của cả nước. Với việc đưa những giống nho đặc sản như nho sữa Hàn Quốc và nho Kyoho Nhật Bản về trồng trên đất Xuân Du, mô hình này đã tạo ra một làn sóng mới trong ngành nông nghiệp của địa phương.

Ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh, đã nhấn mạnh xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn trên địa bàn. Tuy nhiên, để nông nghiệp xanh thực sự bền vững và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Ngoài việc nâng cao nhận thức và thay đổi cách làm của người nông dân, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ cũng là những giải pháp cần thiết.

Không chỉ vậy, việc củng cố các tổ chức nông dân, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển du lịch nông nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình sản xuất xanh tại Thanh Hóa đang gặp phải một số khó khăn và thách thức. Một trong những vấn đề nổi bật là việc chuyển đổi chậm của người nông dân. Nhiều nông dân vẫn còn e ngại khi thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương pháp mới, do thiếu kiến thức, kỹ năng và lo ngại về rủi ro.

Ngoài ra, việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường của nông dân, đặc biệt là nông dân nhỏ lẻ, còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống thu gom và chế biến sản phẩm hữu cơ chưa được đầu tư đầy đủ, dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn./.

Hà Khải