Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đến năm 2030.
Trong đó, tỉnh triển khai 10 dự án ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gồm các dự án đầu tư: sản xuất lúa hữu cơ; sản xuất rau hữu cơ; sản xuất hồ tiêu hữu cơ; sản xuất điều hữu cơ; sản xuất bưởi hữu cơ; sản xuất sầu riêng hữu cơ; sản xuất xoài hữu cơ; chăn nuôi heo hữu cơ; chăn nuôi gia cầm hữu cơ; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 1.323ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chăn nuôi hướng hữu cơ, trong đó đàn bò 290 con, đàn lợn 1.700 con, đàn gia cầm 75.000 con, đàn dê 290 con.
Thủy sản nuôi theo hình thức quảng canh dưới tán rừng hướng hữu cơ (tôm sú, cá chẽm, cua biển, hàu và một số đối tượng nước lợ khác) với diện tích là 200ha; trong đó có 1 vùng sản xuất tập trung tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.
Đến năm 2030 diện tích canh tác hữu cơ nâng lên 4.400ha; ở mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với từng ngành hàng.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm cao gấp 1,5-2 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường; đảm bảo an toàn cho người sản xuất, bảo vệ sự đa dạng hệ sinh thái và môi trường; gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết hiện nay trên địa bàn đã có 9 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích canh tác 28,7ha và gần 1.000ha cây trồng theo hướng hữu cơ.
Về nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã rà soát, xác định 98 vùng sản xuất, với diện tích 18.970ha; có 59.754ha diện tích cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới bán tự động, cơ giới hóa đồng bộ, được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, ứng dụng hệ thống cung cấp thức ăn nước uống tự động; toàn tỉnh có 220 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Đồng Nai đạt gần gần 49.000 tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với năm trước.
Trong số đó, riêng sản lượng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 47.000 tấn, giá trị hơn 3.300 tỷ đồng; sản lượng chuối xuất khẩu hơn 120.000 tấn, giá trị hơn 1.400 tỷ đồng./.