Thắng lớn nhờ nuôi gà trống cựa bán dịp Tết

Nhiều nông dân đã chuyển đổi mô hình nuôi thả gà trống để cúng phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2024 và đem lại hiệu quả kinh tế do đầu ra ổn định, giá cả cao hơn việc nuôi gà bán lấy thịt, nuôi gà đẻ trứng.
nuoi-ga-trong-dip-tet-04-1706842960.jpg
Gà trống được ưa chuộng trong dịp Tết.

Giáp Tết gà trống đã đặt mua hết

Theo phong tục của người Việt Nam, mâm cúng ngày tết nhất định phải có một đĩa gà luộc đẹp mắt đặt lên bàn thờ gia tiên. Gà dùng cúng phải là gà trống bởi ông bà ta quan niệm cúng gà trống để mong ước mưa thuận gió hòa, cây cối sinh trưởng, phát triển tốt, mùa màng bội thu.

Để phục vụ nhu cầu gà cúng tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình anh Bùi Văn Vũ ở ấp Bình Phú, xã An Phú, huyện Hớn Quản (Bình Phước) đã đầu tư gần 50 triệu đồng để nhập về 2.000 gà trống con. “Gia đình tôi nuôi gà đã nhiều năm nhưng đây là năm đầu tiên quyết định nhập riêng gà trống nuôi dịp tết. Là năm đầu nuôi thử nghiệm nhưng tôi thấy tình hình rất khả quan. Hiện tất cả gà của gia đình đều đã được thương lái đặt mua”, anh Vũ vui vẻ chia sẻ.

nuoi-ga-trong-dip-tet-05-1706843001.jpg
Trang trại nuôi gà trống tại Bình Phước.

Ngoài ra, để phục vụ thị trường tết, anh Vũ còn nuôi song song các giống gà Bình Định, gà tre, gà nòi. Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình anh dự định sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 8.000 con gà, trong đó gà trống chiếm 80% số lượng. Điều này hứa hẹn đem lại nguồn thu cao cho gia đình anh.

Dịp tết, người dân chủ yếu mua gà trống để cúng. Vì vậy, tập trung vốn đầu tư nuôi chuyên gà trống để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là cách được nhiều trang trại, hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ trong tỉnh áp dụng. Đây là phương pháp hứa hẹn giúp người chăn nuôi gà vừa không lo đầu ra vừa có nguồn thu cao.

Chị Trương Thị Bích ở ấp Bình Phú, xã An Phú cho biết: “Mọi năm, gia đình nuôi cả gà trống lẫn gà mái. Nhưng năm nào gà trống cũng bán chạy hơn gà mái và không bị tồn nên năm nay, gia đình tôi nhập thêm giống gà mới để thử sức. Tôi thấy xung quanh cũng có nhiều trại nuôi theo hình thức này”.

Theo chị Bích, cùng một cách nuôi, chăm sóc nhưng gà trống sẽ đạt trọng lượng cao hơn gà mái. Vào dịp tết, lợi nhuận của gà trống cao hơn gà mái. Chỉ vào đàn gà trong chuồng, chị Bích vui vẻ cho hay, dự kiến đàn gà 2.000 con khi xuất chuồng đạt trọng lượng từ 2,2-2,5kg/con. Với mức giá dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ thu về lợi nhuận khá. Đây là nguồn thu lớn, giúp gia đình có tết ấm no hơn.

Bí quyết chăm sóc gà trống có mã đẹp

Còn tại tỉnh Lào Cai, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia cầm tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi gà trống, nhiều nông dân trong huyện Bảo Thắng cũng đầu tư chăn nuôi gà trống cựa bán vào dịp Tết, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiên, thôn Chính Tiến, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng là hộ chăn nuôi gà lớn nhất của địa phương với quy mô chuồng trại có thời điểm lên đến hơn 1 vạn con. Một năm gia đình ông nuôi 3 lứa, mỗi lứa 11 nghìn con. Bình quân mỗi tháng gia đình ông xuất ra thị trường từ 5 – 6 tấn gà thương phẩm.

nuoi-ga-trong-dip-tet-01-1706843041.jpg
Nhiều nông dân huyện Bảo Thắng (Lao Cai) đã chuyển đổi sang nuôi gà trống.

Với kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết: Dịp Tết, người dân chủ yếu mua gà trống cựa để cúng, phục vụ nhu cầu tâm linh truyền thống. Chính vì vậy, gia đình ông cũng tập trung nuôi gà trống cựa nhiều hơn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo ông Tiên dự tính trong vụ gà Tết năm nay cho gia đình ông thu về khoảng 250 triệu đồng/vụ gà Tết, trừ các chi phí cũng để ra được khoảng 50-60 triệu đồng.

Thời điểm này, 2 trại nuôi gà trống cúng của ông Nguyễn Văn Điển (thôn Đại Đồng, Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã sẵn sàng cung ứng cho các thương lái với số lượng 3.000 con. Ông Điển cho biết, đây là năm thứ 3 gia đình ông chuyển sang nuôi gà trống cúng phục vụ thị trường dịp tết cổ truyền của dân tộc.

"Tôi vốn nuôi gà thịt cũng có ít nhiều kinh nghiệm nên khi nhận thấy thị trường rất cần những con gà trống đẹp mã để phục vụ cúng trong dịp tết nên chuyển qua nuôi. Mỗi năm chỉ nuôi một lứa duy nhất và đầu ra được thương lái bao tiêu nên khá yên tâm", ông Điển nói.

Ngay từ tháng 8, ông Nguyễn Văn Điển đã chuẩn bị chuồng trại, tiêu độc, khử trùng các mầm bệnh. Sau đó, chọn nơi cung cấp gà giống có chất lượng mang về nuôi theo mô hình bán hoang dã, thả rông trong vườn. Khác với gà thịt, gà trống để cúng là giống gà mía hoặc còn có tên gọi là gà chip với ưu điểm là bộ lông đẹp, chân vàng, mào đỏ và to... phù hợp với tiêu chí lựa chọn gà cúng truyền thống của người dân.

nuoi-ga-trong-dip-tet-03-1706842942.jpg
Người nuôi gà trống cần có kỹ thuật chăm sóc để gà có mã đẹp.

Để có đàn gà khỏe mạnh, mã đẹp, ông Điển tiêm phòng đầy đủ vắc xin, áp dụng các biện pháp phòng bệnh viêm ruột, cảm cúm. Và gà được bổ sung các loại thức ăn như rau, lúa, cám để chắc thịt, thơm ngon.

"Mỗi lứa nuôi kéo dài từ 3-4 tháng và tốn khoảng 1.000 bao cám cho 3.000 con gà trống ăn, cùng một số chi phí khác thì tổng vốn bỏ ra khoảng 300 - 400 triệu đồng. Với giá bán sỉ khoảng 90 nghì đồng/kg thì cho lãi được hơn 100 triệu đồng cho việc nuôi gà trống cúng" - ông Nguyễn Văn Điển nói.

Theo ông Nguyễn Văn Lành - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lộc, thế mạnh của địa phương là có nhiều trang trại nuôi gà từ lâu. Những năm gần đây, khi thị trường về gà trống cúng trong dịp tết tăng mạnh thì một số nông dân đã mạnh dạn thí điểm chuyển đổi mô hình. Đến nay, có gần 10 hộ gia đình trên toàn xã chăn nuôi gà trống cúng dịp tết với số lượng đàn hơn 22 nghìn con gà.

"Từ lợi thế có sẵn, các hội viên nông dân nhanh nhạy nắm bắt cơ hội và tạo ra mô hình nuôi gà trống cúng dịp tết cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, sau tết Hội Nông dân xã sẽ khảo sát, đánh giá hiệu quả của mô hình này để nhân rộng ra trên địa bàn xã", ông Nguyễn Văn Lành thông tin./.

Bình Châu